Overblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
14 avril 2008 1 14 /04 /avril /2008 09:15

                                                   Ở Một Thành Phố Khác
                                                                     Bích Xuân


Những ngày du ngọan qua các nước Au Châu, tôi xin ghi lại vài cảm nhận về thành phố genève dễ thương này.
Di chuyển trong trung tâm thành phố Genève (Thụy Sĩ) là một vấn đề. Những chỗ đậu xe của khách thăm viếng cũng như những người dân sống tại đây rất khó khăn trong vấn đề di chuyển, với lượng giao thông gia tăng. Thành phố Genève có 22.000 chỗ đậu công cộng, trong khi số xe tư nhân tại Genève 200.000 chỗ. Trung tâm thành phố rất gần phi trường, đi bằng xe lửa chỉ mất 8 phút. Để tránh trường hợp kẹt xe khi di chuyển, nhờ sáng kiến của Hội Hồng Thập Tự, bạn có thể đến mượn xe đạp từ 7giờ 30 sáng đến 9 giờ 30 tối, với tiền đặt cọc khỏang 50FS (Thụy Sĩ vẫn xài tiền cũ) và giấy căn cước. Thành phố ở đây có một dân trí cao trong sự hành xử qua cách tiếp xúc hàng ngày.

 

Diện tích Thụy Sĩ 41.300 cây số vuông, dân số 7,4 triệu người, nói tiếng Đức, Pháp, Ý. Riêng về thành phố Genève tương đối nhỏ bé: 282 cây số vuông, được bao chung quanh bởi đất đai của Pháp, biên giới dài 107 cây số. Dân số 427.70, nói tiếng Pháp, đọc báo Pháp, coi truyền hình Pháp. Những người Pháp ở vùng ranh giới chạy qua Thụy Sĩ làm việc sáng đi chiều về,(vì lương cao hơn bên Pháp). Đa số theo đạo Tin-lành. Một vùng nhỏ còn trồng trọt rau trái và nho để làm rượu, đa số đất còn lại đã được đô thị hóa với một diện tích hơn 200 cây số vuông, đây là một trong những khu nhỏ nhất của Thụy Sĩ, đứng thứ 20 theo diện tích đất đai, nhưng đứng thứ 6 về dân số. Thụy Sĩ được sự ưu đãi về địa dư vì ở trung tâm Âu Châu, trong một vị thế chiến lược. Hệ thống tiền tệ rất ổn định và có giá (không bị lạm phát). Sau nửa thế kỷ, dân số ở đây đã tăng gấp đôi.

Năm 1535 Genève đã trở thành thành phố của đạo Tin-lành. Nhiều ngàn người theo đẹo Tin-lành, để tránh nạn tàn sát, tại Pháp và Ý cũng đến đây lánh nạn và lập nghiệp. Ngày nay 60% của nền kinh tế là những dịch vụ về ngân hàng. Từ trước đến giờ Genève luôn luôn có tiếng một thành phố mở rộng trên thế giới. Tại nơi đây những người ngọai quốc cư ngụ lên đến 37% tổng dân số. Trong vòng năm mươi năm, thành phố đã trở nên một thủ đô quốc tế về ngọai giao. Mỗi năm có 7 triệu du khách ghé thăm nơi đây, tương đương với tổng dân số của Thụy Sĩ.

 Thành phố Genève ở cao độ 373 thước so với mặt biển. Từ Paris hay Milan (Ý) đi Genève mất 1 giờ bằng máy bay, còn từ Londres, Rome, Madrid (Tây Ban Nha) đi Genève mất gần 2 giờ bay.
Genève luôn luôn là một thành phố trung lập, cho nên các nước trên thế giới đều lựa chọn nơi đây để ký kết hợp đồng. Thành phố genève đã trở nên một nơi được ưu đãi trong sự gặp gỡ giữa các chính khách cao cấp, cũng như những tổ chức quốc tế lớn đều đặt văn phòng tại đây. Người ta nói Genève với tinh thần tinh thần trung lập khi đứng làm trọng tài cho nhân loại, Genève phân xử một cách hòa bình qua những cuộc va chạm lớn, hay các cuộc chiến tranh. Sau đệ nhị thế chiến, thành phố Genève trở nên trụ sở trung ương của Âu Châu về Hội đồng bảo an quốc tế (ONU). Genève cũng là thành phố sẵn sàng mở cửa đón nhận những tư tưởng cũng như những luồng văn hóa mới hay những cải thiện khoa học kỷ thuật hiện đại để chuẩn bị cho tương lai…

Genève còn là thành phố nổi tiếng phát triển về thương mại, cũng như ngân hàng trong những vụ chuyển tiền khắp nơi trên thế giới, (Genève là thủ đô của thế giới về sự điều hành những tài sản lớn). Vào thế kỷ 18 Genève cũng là nơi nổi tiếng thế giới về kỹ nghệ chế tạo đồng hồ đắt tiền, cũng như về nữ trang. Nơi đây, cũng là cái nôi về luật nhân đạo. Năm 1864, luật nhân đạo quốc tế đã được ký kết tại đây.

Genève thành phố của hòa bình về sự hội nhập các hiệp Hội: Hội Hồng Thập tự quốc tế được thành lập tại đây vào năm 1863 do ông Henry Dunant. Ngày nay Genève có khoảng 200 hiệp hội quốc tế quan trọng. Điển hình là: Office des Nations Unies(ONU),Organisation Mondiale du Commerce(OMC),organisation Mondial de la Santé(OMS), Haut Commissariat pour les Réfugiés (HCR) v.v…

Năm 1536 Genève là một nước đầu tiên trên thế giới tổ chức và ban hành luật: trường học công cộng miễn phí và bắt buộc cho mọi công dân, từ trình độ thấp đến trình độ cao. Chính quyền Genève rất thực tế và biết rằng nền kinh tế phát triển tốt là động cơ của tiến bộ xã hội, trong tinh thần luôn luôn có sự thương thảo, thỏa thuận, do đó, không có những sự va chạm xã hội trong các xí nghiệp. Vấn đề thuế được áp dụng một cách hài hòa, cho phép các hãng xưởng phát triển mạnh mẽ. Người dân nơi đây có vẻ hiền thể hiện một cái gì đó ở trong đời sống xã hội mà con người được bảo đảm…Bạn đi xa cần gởi điện thư về nhà, hay thèm thuốc lá bạn sẽ thấy ngay trong thành phố Genève có để máy Fax và tủ bán thuốc lá ngòai công cộng.

  Nói đến Thụy Sĩ mọi người đều biết đến thành phố Genève có hồ Léman còn gọi là hồ Genève. Từ thành phố đến hồ Léman một giờ lái xe. Hồ Genève, hồ lớn nhất vùng tây Âu. Hồ thuộc chủ quyền của hai nước Thụy Sĩ và Pháp.
Diện tích tổng quát của hồ: 582,4 cây số vuông. Độ sâu của hồ 309 thước. Chiều dài nhất của hồ 72 cây số. Chiều rộng 13 cây số.
Hồ Léman có dáng dấp của một cái bánh croissant hay là một dấu phẩy khổng lồ. Bờ phía Bắc thuộc về Thụy Sĩ. Bờ phía Nam thuộc về nước Pháp. Ranh giới ở giữa hồ theo chiều dài. Hồ Léman được xuyên từ đông qua tây bởi dòng sông Rhône. Mỗi năm, kể từ đầu tháng sáu, có cuộc đua thuyền trong 5 ngày tại hồ Léman. Ngòai ra, người ta còn tổ chức những cuộc đi dạo bằng xe đạp quanh hồ. Tại hồ này, bạn sẽ nhìn thấy tia nước (cứ mỗi một giây) được phun lên khỏi vòi, với tốc độ 200 cây số/ giờ, người ta phải cần 7 tấn nước để tạo ra tia nước này.

 

Câu chuyện về TinTin và con chó Milou cũng được tả lại với những phong cảnh tại đây. Ông Hergé, tác giả của truyện kể bằng tranh vẽ “L’Affaire Tournesol” đã cho người hùng là TinTin, một ký giả trẻ nổi tiếng về các vụ điều tra khó khăn, cùng với bạn đồng hành là thuyền trưởng Haddock đã đến hotel Cornavin tại Genève, trong khi giáo sư Tounesol ở trong căn phòng số 122. Căn phòng này, hiện nay vẫn còn giữ nguyên vẹn. Ở đây, bạn có thể thấy cuối hành lang phía bên trái một đồng hồ quả lắc lớn nhất thế giới với bề cao 39 thước, quả lắc 26 thước được ghi vào sách thành tích “Livre Guiness des Records”, và trong công viên “Jardin Anglais” có đồng hồ, mặt là thảm cỏ kết hoa, với đường kính 4thước, kim đồng hồ dài 2 thước rưỡi.

Bích Xuân bên hồ Léman 
   

Cuộc viễn du ngắn ngủi tại thành phố Genève, và chụp vài tấm hình kỷ niệm bên mặt hồ Léman yên lặng, làm tôi có những giây phút nô lệ cho óc mơ mộng trên dòng nước. Nước trong xanh, mang màu sắc đam mê, nhưng nước vẫn là chất nước, nước chảy ra sông lớn như để bảo tồn sức mạnh tiềm tàng của nước. Ôi ! Tôi lại bị cảm xúc kích động nữa rồi…

Trên đường trở về lại Pháp, tôi nhớ lại những lúc trò chuyện với mấy cô bán hàng, cùng mấy đàn ông ở bản xứ,  bản chất con người ở đây, tôi đã “thấy” trên gương mặt, trong nụ cười trong đôi mắt của họ có nhân vị tính, xã hội tính, hiền hòa, an lac, lịch sự, lễ độ…biết phục vụ khách, làm khách phương xa ai ai cũng mến thích.

     
           
                                                                         Bích Xuân

 

                                                       

 
 

Partager cet article
Repost0

commentaires