Kính chúc quí anh chị mùa Giang sinh an lành, may mắn...
Kính chúc quí anh chị mùa Giang sinh an lành, may mắn...
Dưới Tháp Địa Tạng
Bích Xuân
Một buổi sáng chủ nhật mùa thu, tôi đang còn mê đắm ngủ khì trong chăn ấm bỗng giật mình thức giấc vì tiếng động cơ của chiếc xe hút lá rơi ngoài đường. Một anh lái xe, một anh cầm cái ống hút đi theo sau để hút lá dưới đất. Mùa thu trên những con đường lá rụng hàng hàng lớp lớp, hết xe đi dọn lá rơi đến người phu quét đường cầm chổi, nhưng vài tiếng sau lá vàng lại rụng ngập lối đi. Mùa thu, đi đâu cũng nhìn thấy lá vàng, vàng trên cây, vàng dưới đất giữa bầu trời sương lam như một bức tranh vẽ thật đẹp.
Hôm nay là ngày 1/11, đêm hôm qua lễ
Halloween, (Lễ Halloween ở Pháp như là lễ Cô Hồn của VN nhà chùa cúng vào rằm tháng Bảy, một tập tục của mỗi cá nhân mỗi gia đình, xã hội qua các thời đại ) . Đêm hôm qua, giới trẻ đã hóa trang
bằng những mặt nạ qủi ma và y phục quái đản khiêu vũ, hét hò, vui chơi suốt đêm ở những hộp đêm trong một quang cảnh thật ghê rợn. Tại Pháp những năm gần đây dần
dà biến mất mấy trẻ em giả làm ma quỉ kéo nhau từng nhóm đến xin kẹo bánh từng nhà. Ngay cả các cửa hàng lớn chỉ lưa thưa bán vài món tượng trưng để hoá trang trong mùa Halloween. Chỉ có các tiệm
bán hoa trong mùa này là tiền vô như nước. Tiệm hoa nào cũng có người đứng sắp hàng dài mấy thước chờ mua cho bằng được chậu hoa vàng (người mình gọi là hoa cúc) .
(Tháp Địa Tạng (trái) và chùa Khánh Anh)
Trước lễ Halloween vài ngày, trên các băng tầng tivi cũng
có những chương nói về ma, có hay không có ma, và có nhân chứng lên tivi kể lại cảm giác những lần họ nghe được những tiếng động trong nhà mà theo họ đó là những oan hồn còn tha thiết với trần
gian, những gì của họ là của họ, họ không muốn ai đụng tới. Một bà đầm đã lớn tuổi là cháu chắc cuối đời của dòng họ trong tòa lâu đài. Đêm đêm bà nghe tiếng đóng và mở cửa, ngay cả tiếng xầm xì
ngoài vườn làm bà sợ quá, bà tha thiết cầu xin để bà được yên ở đây chăm lo và giữ gìn lâu đài, nếu làm bà sợ, bà đi nơi khác thì tòa nhà này sẽ thành hoang phế không ai dám tới. Sau đó bà không
còn nghe tiếng động nữa, và còn được cho biết đến ngày, giờ, năm, tháng bà đến địa chỉ đó có người sẽ cho bà mượn tiền. Bà vay tiền tu bổ tòa lâu đài thì được ngân hàng chấp nhận. Tòa lâu đài bây
giờ làm thắng cảnh cho khách du lịch.
Hôm qua là ngày Lễ Halloween, hôm nay, 1 /11 là các lễ Thánh (Toussant ) Chùa Khánh Anh ở Evry buổi sáng có lễ cầu siêu cho các hương linh để tro cốt tại tháp Địa Tạng, nên lát nữa đây tôi sẽ đến Địa Tạng thăm người thầy cũ. Dưới chân tháp là một cái hầm sâu, từ dưới hầm lên đến tháp cao để được khoảng 1600 hài cốt. Đọc tới câu này qúi vị đã ngán rồi phải không ? Nhằm nhò gì, đừng sợ ! Con đường này là tương lai của chúng ta rồi cũng phải đến. Người viết bài này rất yếu bóng vía ở những nơi vắng vẻ thậm chí ở nhà một mình đôi khi cũng sợ…ma, vậy mà tôi đã xuống dưới Địa Tạng một cách…hiên ngang. Nói cho oai vậy chớ lúc đầu thì tôi hãi lắm, lòng thầm nghĩ xuống dưới Địa Tạng thăm ông thầy một cái rồi « chạy » lên ngay, nhưng khi xuống dưới Địa Tạng tôi không đi lên liền mà ở dưới đó gần hai tiếng đồng hồ mới…chui ra. Chắc bạn nghĩ dưới Địa Tạng có gì…vui mà tôi ở dưới lâu quá vậy. Không vui tôi ở lâu làm gì !
Người ta lên xuống Địa Tạng không ngừng, họ
thăm hương linh người thân, tất cả những hộp đựng hài cốt giống nhau và hình người quá cố dán trước hộp. Chung quanh vách tường dưới Địa Tạng sáng rực, óng ánh như loại vàng 18 carat. Phút thiêng
liêng trước tấm hình người quá cố ai cũng bùi ngùi rơi lệ, có người cặp mắt đỏ hoe, người thì trầm tư như suy nghĩ điều gì. Nét trầm tư này chắc chắn
không phải lo âu ngày mai tiệm vắng khách, mà cũng không phải lo âu về các món nợ đã vay của ngân hàng...Tư lự thế kia chắc là sẽ chuẩn bị cho mình
một cuộc sống ngày mai bên kia thế giơiù! Tâm lý chung khi đến nơi này ai cũng có một ý nghĩ này giống
nhau.
(Dưới Địa Tạng nơi để tro)
Kẻ ra người vào Địa Tạng khá đông, nhưng có người hình như sợ tương lai, nên vừa xuống nhìn hình người thân một cái vội vàng đi ra ngay. Tôi xuống dưới Địa Tạng cũng gặp người quen, họ dừng lại chào đôi ba câu :
- Cô đi thăm ai đây ?
- Dạ thăm ông thầy...
- Cô mua hậu tro chưa ?
- Dạ sắp mua, còn anh...
- Mua lâu rồi mà không biết “nó” nằm ở đâu! Tuần trước tôi bệnh nặng, bà vợ mới lo đi tìm thầy hỏi chổ...
Cũng có người lo mua hậu tro trước đòi gần ngay cửa ra vào, để người nào đi ngang qua cũng thấy hình. Tôi hỏi để làm chi vậy ! Họ nói để thấy người qua lại cho vui. Xuống dưới Địa Tạng mới biết có chuyện vềø kể lại để độc giả Trẻ đọc đỡ… buồn.
Chuyện xuống dưới tháp Địa Tạng đâu phải là dễ, vì phải chờ những dịp có lễ đông người mới vui, nên khi xuống được tôi không sợ mà còn bước đi chậm rãi, nhìn chung quanh để chọn một nơi tương lai cho mình, sẽ yên giấc ngàn thu nơi đây... Ban đầu, những người mua hậu tro sợ điềm xấu, nhưng có người đã mua hậu tro 30 năm rồi mà còn sống nhăn, thỉnh thoảng còn đi thăm hậu tro sống của mình. Sống chết có số mạng lo chi cho mệt...Mùa thu sao chẳng thấy có hình ảnh thơ mộng, nói gì chuyện con đường tương lai phía trước buồn quá phải không bạn ! Nhưng mùa Halloween, mùa lễ Thánh cũng như là Lễ Cô Hồn mà vui nổi gì !
Lợi dụng lúc đông người, tôi đi xem những tấm hình
dán phía trước hộp đựng hài cốt. Trời ơi người già thì ít mà sao người trẻ nhiều lắm thế ! Danh nhân không đợi tuổi, cái chết chẳng chừa ai. Nhìn những tấm hình khỏe mạnh, trẻ đẹp mà ngẩn ngơ đời
…Mỗi một hộp xinh xinh để được hai bình tro, thường là vợ chồng, có hộp thì lẻ, nhưng có ông nói nhỏ với thầy xin được để…ba. Có những bình đựng hài cốt thật đẹp và có cái cũng rất tầm thường,
lúc chọn bình tùy cách suy nghĩ của mỗi người. Có người xuống Địa Tạng thăm và đòi lấy bình tro ra để ngắm nghía cho đỡ…nhớ.
(Bà Monique và những người bạn viếng thăm Địa Tạng)
Một nhóm đàn ông khoảng 7 người Pháp và một người đàn bà trong đó có một người đàn ông Việt xuống Địa Tạng. Họ đi chung quanh để xem những hộp nhỏ xinh xinh. Tôi đi đến gần chào ông khách
người Pháp, xin phép hỏi cảm tưởng ổng, ông khách dễ thương niềm nở trả lời là ông rất ngạc nhiên ở nơi đây quá đẹp để riêng cho người quá vãng. Tôi lại mạnh miệng hỏi tiếp ổng có nghĩ rằng một
ngày nào đó ông cũng sẽ vào đây ? Ông Tây nói ngay là ổng chưa hề nghĩ đến điều này. Đang nói chuyện thì có người gọi ổng, ổng chào tôi rồi đi ra hướng có tiếng gọi.
Tôi tiếp tục « lang thang » dưới Địa Tạng thì thấy bà đầm đi trong nhóm người Pháp lúc nẫy, đang chăm chú nhìn những chiếc bình được trưng bày trên bàn. Tôi đang nhìn bà đầm có nét sang, thì có một chị từ sau lưng tôi đi tới, nói nhỏ vào tai tôi : Bà đầm đó là Monique, vợ sau này của vua Bảo Đại. Nghe nói vậy tôi đến gần bà Monique chào bà, và xin phép được chụp bà tấm hình để làm kỷ niệm. Bà nở nụ cười thật tươi khi biết có người đã nhận ra bà là ai. Đây là lần thứ hai tôi gặp bà Monique. Lần này bà gầy đi, nhưng nụ cười vẫn còn tươi nét, tiếc là buổi gặp chớp nhoáng rồi bà cùng nhóm người kia ra về ngay.
Xin trở ngược về quá khứ, cách đây 20 năm, tôi gặp bà
Monique trong một buổi lễ Vạn Thọ của vua Bảo Đại năm 1989 tại nhà hàng Le Président, số 120-124, đường Du Faubourg, quận 11 Paris, với chiếc bánh sinh nhật cao 12 tầng. Buổi tiệc Vạn Thọ này do
nhà thiết kế trang phục Thành Lễ Paris tổ chức, có khoảng 300 người đến dự, đa số là người trong hoàng tộc, và tôi may mắn được ngồi chung bàn với
Bảo Đại và bà Monique. Hôm đó nhìn bà Monica từ trên xuống dưới chỉ một màu vàng, áo dài vàng, quần vàng, đầu đội khăn vàng, do nhà thiết kế Thành Lễ Paris dâng tặng. Lúc ấy bà Monique đẹp, kiêu
hãnh…
Tôi đến dự buổi Vạn Thọ là để ngâm thơ và hò Huế cho ngài Bảo Đại nghe. Tôi ngâm bài thơ « Đây thôn vỹ dạ»ï của hàn Mạc Tử và hò Huế. Khi bước xuống sân khấu về lại bàn, Bảo Đại đưa tay ra dấu bảo tôi đến bên cạnh ngài và hỏi tôi xứ Huế ở mô…Sau khi biết tôi không phải là người Huế mà là người Đà Nẵng, ngài cười rồi nói không phải gái Huế sao hò « mái nhì » giống quá ! Tôi nói : Dạ thưa ngài con…bắt chước.
Việt Nam.
(Bảo Đại và bà Monique trong ngày lễ Vạn Thọ tại Paris
thứ sáu ngày 17
-11-1989)
Sau buổi Lễ Vạn Thọ tôi không có dịp gặp lại ông Bảo Đại. Mặc dầu có vài lần tôi ngồi trong xe đậu sát căn nhà nhỏ nơi ngài cư ngụ với bà Monica. Có những lần như thế là tôi lái xe chở cụ Thái
Văn Kiểm đem món thịt heo tàu kho trứng đến Bảo Đại vì ông rất thích món này. Bà Monique cũng làm món thịt heo kho trứng, nhưng không đúng khẩu vị của ông.
Hai mươi năm trôi qua cái vù, bây giờ gặp lại bà Monique dưới chân tháp Địa Tạng làm tôi nhớ lại những hình ảnh ngày Vạn Thọ của Bảo Đại ngồi bên cạnh bà trong chiếc áo dài màu vàng với chiếc khăn vàng truyền thống Việt Nam.
Bây giờ xin trở lại chuyện dưới tháp Địa Tạng. Tôi đến làm quen với chị Tuyết là hướng dẫn khách trong Địa Tạng. Chị Tuyết làm được hai năm ở dưới Địa Tạng này. Tôi hỏi chị một mình ở dưới này mỗi khi vắng khách chị có sợ không ? Chị nói không sợ làm tôi phục chị quá xá. Tôi hỏi vì sao chị không sợ thì chị trả lời là có niềm tin mạnh nên chị không sợ, vã lại những người « nằm » ở đây hiền lành, họ không phá phách. Tôi hỏi làm sao chị biết họ hiền. Chị nói là những người vào đây trước kia là những người hay đi chùa, hoặc làm công quả…Tôi hỏi vì cớ gì chị chọn làm công việc này. Chị Tuyết kể : Cách đây hai năm chị bị một căn bệnh gì mà kỳ cục, tự nhiên tay chân chị nổi gân xanh to bằng ngón tay cái, ngoằn ngoèo như con rắn, nhìn thật là rùng rợn, thuốc tây thuốc ta gì chị cũng thử ráo. Lúc đó một niềm tin để chị bám víu vào là Phật Quan Thế Âm. Trong lúc chửa bệnh chị nguyện khi lành bệnh chị sẽ vào chùa làm công quả. Hết bệnh, chị tìm chùa để xin việc làm thì được giao việc dưới Địa Tạng. Nói xong chị chỉ tấm hình ngay phía trước : Chị này trẻ đẹp cũng làm việc ở dưới Địa Tạng, vừa mới mất vài tháng vì bị bệnh cancer. Tôi nhìn vào tấm hình với lòng thành kính của người sống đối với kẻ khuất mặt.
Vừa lúc ấy thì thầy Quảng Đạo xuống Địa Tạng, thầy Quảng Đạo tính tình vui vẻ, xề xòa.
- Dạ kính chào thầy.
- Nam mô A Di Đà Phật.
- Dạ thưa thầy, thầy ở đây có thấy điều gì lạ ở dưới Địa Tạng này không thầy?
- Thầy chưa ở nên đâu biết. Địa Tạng chỉ mở cửa những ngày lễ, ngày thường ai muốn thăm thì phải nói trước, sẽ có người đến mở cửa. Chùa chưa làm xong nên chưa có người ở.
- Thưa thầy, Lễ Cô Hồn của VN Rằm Tháng Bảy. Lễ Halloween ở Tây nhằm vào 30 tháng 10, các lễ Thánh (Toussant) 1 /11, lần đầu tiên chùa cúng lễ Toussant ở đây!
- Lễ Toussant là ngày lễ tại Pháp, người ta đi thăm mộ người thân. Chùa Khánh Anh mỗi năm tổ chức bữa cơm xã hội vào tháng 11, nhân dịp này chùa có làm lễ cầu siêu cho những hương linh để ở Địa Tạng, sau đó dùng buổi cơm xã hội. Chùa đã cúng Lễ Toussant từ năm ngoái.
(Bích Xuân (trái) bà Monique và chị Tuyết)
- Hôm nay trời mưa lớn quá, bà con mình đến chùa rất đông, chung quanh đầy kín cả xe, con phải đậu xe
thật xa, đi bộ cây số mới đến chùa. Có khoảng bao nhiêu người đến dự lễ vậy thầy ?
- Phòng ăn ở trên và ở dưới bán được 650 vé. Hôm qua đài khí tượng nói hôm nay có mưa làm thầy sợ ít người đến, không ngờ bà con thương chùa đến ủng hộ đông quá…
- Dạ, con thấy số người hơn nhiều hơn đó thầy, nhiều người không mua vé, hết chổ nên phải ăn bằng “tay cầm”, có người mua thức ăn tại chỗ ở các gian hàng, chưa kể người đến làm lễ rồi ra về liền…Bữa cơm xã hội đông người như thế, chuẩn bị trước cho buổi cơm xã hội bao lâu, anh chị phụ giúp chùa bao nhiêu người vậy thầy?
- Chuẩn bị buổi cơm xã hội này trước đó 3 ngày, có người nấu ở nhà mang đến nữa. Có khoảng 50 người từ trong bếp kể cả ngoài phòng ăn…cộng thêm 20 người giữ trật tự nữa.
- A, hai cái thùng màu vàng là gì vậy thầy?
- Thùng Phước sương.
- Thùng phước sương cỏ vẻ nặng chắc là tiền …kẻm !
- Nhờ tiền kẻm mà xây được chùa đó.
- Ồ…
Tôi đi phía sau lưng thầy Quảng Đạo ra khỏi Địa Tạng lúc đó hơn bốn giờ chiều. Trời thu ảm đạm sắp tối. Từ lúc bước vào tháp Địa Tạng mưa gió ào ào, đến khi tôi ra khỏi Địa tạng mưa vẫn còn rơi.
Trong khi chờ mưa tạnh tôi đi tìm bà cụ 73 tuổi, gát cửa chính ở tháp Địa Tạng này. Nghe nói bà cụ thường lái xe một mình như …cao bồi đến tháp Điện tạng để quét dọn, lau chùi, ngay cả những ngày
không có lễ. Tôi nhìn quanh không thấy bà cụ gát cửa đâu, chắc là cụ vào bên trong. Thôi thì để dịp khác sẽ gặp cụ vậy. Đứng dưới tháp tôi nhìn vào bên trong, ai muốn xuống dưới tháp Địa Tạng cũng phải qua hai lớp…địa ngục bằng cửa sắt, chứ không
phải ai muốn vào là được.
Trời vẫn mưa to, mưa thì mưa tôi cũng phải đội mưa để về, đêm sắp đến, ngày đã tàn, đứng chờ trời hết mưa đưới chân tháp Địa Tạng này cũng… ngán, và biết khi nào trời mới hết cơn mưa !
(Thầy Thích Quảng Đạo (trái) bà Monique (phải) và nhóm nguời khách Pháp)
Mùa Halloween Novembtre 2009
Bích Xuân
Paris Trong Mùa Noel
Bích Xuân
Chưa hết cuối thu mà tuyết đã ngập đường trắng xóa. Tháng 11 chưa qua nhưng không khí Noel đã nhuộn nhịp hẳn lên. Các nơi đều chong đèn kết hoa chào đón mùa lễ hội. Ngày cuối tuần của đầu tháng
12, xe nối đuôi nhau vào các trung tâm siêu thị Tây, Á ở Paris. Cả tuần không thấy giọt nắng mới 4 giờ đã tối, nhưng người xe như Tết. Trời se lạnh, tuyết rơi lất phất… Người đi mua sắm quà tặng,
thức ăn….chuẩn bị Giáng sinh nườm nợp. Mùa Noel năm nay, các siêu thị đông hơn những năm về trước, đài radio cũng như truyền hình thống kê dân Pháp không muốn đi đâu xa. Hình ảnh du khách bị kẹt
tại Thái Lan, chiến tranh lan tràn trên thế giới, thời tiết, lụt lội ở Pháp và các nước Âu châu,
Kinh tế suy thoái toàn cầu làm người Pháp đâm ra dè dặt. Để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn chung trong mùa lễ Noel hiện nay, đồng loạt các cửa hàng đều hạ giá các mặt hàng từ 30ù% đến 50%, hàng
may mặc hạ giá 65% giúp người dân mua quà Noel kịp lễ, không cần chờ đại hạ giá (soldes) vào đầu năm mới. Rồi đến xe hơi, ngoài việc giảm giá 20%, 30%, có hãng đã quảng cáo trên truyền hình, mua
một tặng… một. Xe hoả xa cũng giảm giá vé đi về cuối tuần từ 25 euro đến 45 euro với điều kiện về trước nửa đêm chủ nhật. Mua nhà cũng được giảm giá 10% Chi phí của chưởng khế đối với nhà mới đôi
khi khỏi phải trả. Có trường hợp người mua nhà được tặng thêm chiếc xe hơi mới nằm trong parking. Truyền hình màn ảnh lớn LG cũng giảm giá từ 200 đến 300 euro v.v…Chỉ thấy máy điện thoại cầm tay
là không thấy giảm giá bán. Và cũng đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, hội chợ Noel từ bùng binh Khải Hoàn Môn dọc theo hai bên đại lộ Champs Élysées, hai hàng cây khô còn đọng lại chút lá vàng của
tiết cuối thu, với 90 căn nhà nhỏ dựng lên hai bên lề đường dài, cho tới cuối công trường Concorde dài 2 cây số, (tốn phí cả triệu euro).
Trên hai hàng cây có triệu chấm sáng treo trên 415 cây hai bên vệ đường, lâu lâu cùng chiếu sáng như thác đổ. Có hai cây cao, trên mỗi cây, một vầng sáng mầu xanh dương, tượng trưng cho Liên Hiệp
Âu Châu. Hội chợ Noel này có 14 nước trong Âu châu tham dự, như Bỉ, Ý,Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Áo, Đức, Bồ Đào Nha, Lục Xâm Bảo v.v...Hội chợ mở cửa từ 11 giờ sáng đến 10 giờ đêm cho đến chủ nhật
28/12. Hội chợ Paris bắt đàu từ Khải Hoàn Môn đã lan dần ra các quận và ngoại ô Paris. Hội chợ ở công trường la Défense ngày 26/12 sẽ có buổi hoà nhạc. Người viết cũng ở trong số người trẩy Hội
Noel tại hai bên đại lộ Champs Élysées. Đến Hội chợ này đi xe điệm ngầm là tiện nhất khỏi bị kẹt xe. Nhưng đi xe điện mùa này cũng …hên xui !bởi dễ lây cảm cúm từ người khác vì nhiều người lên xe
đã khụt khịt mà xe lại bít bùng. Trời lạnh dưới không độ C, du khách cũng đi lên đi xuống, xem những gian hàng trắng hai bên đại lộ. Đa số là ngòi Âu, rất ít người Á châu.
Người Việt sợ lạnh… Những gian hàng phong phú về hàng hoá, gian hàng đông khách nhất vẫn là áo khoác mùa đông, khăn quàng cổ, mũ, găng tay, gian hàng bán thức ăn, rượu…nóng v.v… cũng dễ hiểu
!Trời lạnh, người lớn trẻ con đều muốn nhấm nháp miếng bánh chiên phết kem nóng hổi cho ấm lòng để tiếp tục đi dạo. Rượu chát đỏ, nóng với giá 3 euro một ly, chocolat 2 euro…Món ăn nổi tiếng của
Pháp là món Raclette giá 7 đến 9 euro một phần, bánh chiên 2, 3 euro… Các loại bánh ngọt vẫn giữ giá vẫn bình thường. Hội chợ Noel ở đây chẳng thấy có các mặt hàng về điện tử, cũng chẳng Chúa Hài
Đồng bên máng cỏ ! Toàn là những gian hàng ăn uống, đặc sản đặc biệt của mỗi nước, đồ vật lưu niệm v.v…Những gian trang trí nhà cửa, vắng vẻ hơn hàng khăn lớn, khăn nhỏ, áo tắm…có đông người sắp
hàng. Hội chợ cũng dành ra một khoảng đất để giải trí cho các nhi đồng như cầu tụt, xe lửa, đánh đu…Mỗi ngày có ông già Noel ngồi trên xe ngựa để các em cũng như người lớn chụp hình lưu niệm miễn
phí. Trời về chiều càng lạnh, đường dành cho khách bộ hành, có đặt các lò sưởi lộ thiên, cách vài trăm thước một lò lửa hực đỏ, du khách dừng chân sưởi ấm.
Người Tây phương hể có dịp là họ đưa con cái ra khỏi nhà, con còn bé đặt trong xe đẩy, bất kể thời tiết, Không như người Á châu rất kỹ con thơ với thời tiết và giỏi lo ngại dùm người khác. Không
khí Noel sôi động, đông nhưng người mua thì không nhiều, tâm lý người mua năm nay rất dè dặt. Ngoài những gian hàng Noel dựng lên có lớp lang hai bên đại lộ Champs Élysées và ngay cả trong thành
phố Paris, còn thấy có những người đi bán dạo trái chataigne nướng, (tạm gọi là hột dẻ) họ dùng một lò than nướng rất đơn giản để nướng, người bán là một ông Tây đã décor « gian hàng » của mình
trên xe gắn máy, khách dừng chân lại để nhìn, và khi nghe mùi thơm trái chataigne bay ra... ai mà chẳng muốn thử cho ấm lòng giữa mùa đông rét lạnh. Hột dẻ chỉ bằng ngón chân cái nhưng không rẻ,
một gói chưa tới 10 hột đã 3 euro…( Pháp là nước sản xuất hột dẻ ở mức công nghệ trong mùa Noel ) Trời càng lạnh về đêm, ánh đèn đường màu vàng không đủ ấm bầu trời giá lạnh. Các gian hàng hè phố
lung linh sắc màu rực rỡ của những vòm cửa sổ kính ấm áp bên trong. Bước đi của khách nhanh hơn trên đường về im lặng….
Paris Noel 2008
Bích Xuân
PARIS LÀ GÌ
Bích Xuân
Paris là một thành phố album của bao nhiêu kỷ niệm.
Thủ đô của thời trang và nghệ thuật. Thành phố như viện bảo tàng sống đa diện. Paris ban đêm, Paris ban ngày, Paris cũng là một sự mời mọc tìm đến những thú vui đơn sơ của sự lãng du và cách sống
rất ư là thoải mái.
Đi dạo trong Paris là khởi hành cho một cuộc khám phá mới, trong một nghìn lẻ một khía cạnh nho nhỏ của một thành phố, vừa bí ẩn, vừa huyền thọai… Trong bước đi
ngược gió, được hướng dẫn bởi lòng tùy hứng của từng giây phút. Paris hàng ngày mà có một số người trên thế giới mong ước được sống như người dân Paris, và chính những người dân Paris rất sung
sướng, vui mừng khi thấy lại Paris sau một trời gian xa vắng…Trước tiên, đấy là một khung cảnh trong trạng thái êm ấm: một hình thức pha trộn hóa chất về hình ảnh, về âm thanh, về mùi hương về
các màu sắc, và cuối cùng là các cảm nhận tế nhị.
Thả hồn theo dòng sóng nước sông Seine, ánh mắt lắng nhìn ngừng lại trên từng khác lạ của những cảnh diễm tình… Tất cả thú vui được nếm sự ngọt ngào của lãng du Paris . Mỗi người dân Paris có
những sở thích riêng biệt, những khỏang đường thường lui tới, khu phố thường đi. Đối với một số người này, đó là khu phố Butte-aux-Cailles (nơi đây là một nơi cư trú êm ấm của một số nghệ sĩ tài
tử nổi tiếng Paris, đặc biệt với lối kiến trúc cổ), kế đến
là những quán café với đủ lọai rượu chát để cho khách du thưởng thức. Nơi này ngăn cách sự ồn ào náo nhiệt của khu chung quanh xâm ngập, thời gian và không gian đôi khi như lắng đọng. Còn
đối với một số người khác, khu chợ chung quanh nhà thờ tuy ồn ào, nhưng có màu sắc riêng biệt với « mùi vị » của nó.
Duyên dáng của Paris cũng nằm trong không bết bao nhiêu quán café: mỗi quán café có một vẻ độc đáo và đặc thù riêng. Người ta tổng kết được 12.000 quán : Những quán café có sân thượng, có quán café chủ đề văn chương để cho các văn thi sĩ đến trao đổi cảm hứng, một số quán café khác có chủ đề về thể thao v.v…Lúc hay nhất để ngồi thưởng thức ly café là lúc cuối buổi trưa đầu buổi chiều, còn muốn uống rượu khai vị luôn luôn đừng quên khỏang thời gian giữa 5 giờ và 7 giờ chiều. Khi màn đêm buông xuống, người ta tìm kiếm những địa chỉ ăn ngon chỗ ngồi thỏai mái để rủ rê nhau tụ họp sau một ngày làm việc; một hình thức thư giản. Đời sống về đêm gói trọn và khép kín qua những lời mách nhỏ nhau có sự chọn lọc về những cách giải trí từ thượng vàng đến hạ cám cho mọi thành phần xã hội. Những vùng sống về đêm nổi tiếng như: Les Halles, Le Marais, Bastille, Monmartre, La Butte-aux-Cailles, Charonne, Ménilmontant…Thời trang mới trong cách ăn mặc có những thay đổi cũng sẽ qua đi, nhưng phong cách ăn chơi thật sự thì không bao giờ thay đổi.
Có một chìa khóa hay có một bí quyết nào để khám phá và
hiểu thủ đô ánh sáng này không ? Có lẽ chỉ cần đi theo hướng dẫn của một dân chơi kỳ cựu của Paris và cứ coi Paris là hiện thân của một con người để tìm hiểu vậy. Đời sống ở Paris có một
nhịp độ riêng thay đổi tùy thuộc vào sự hứng khởi của dân chúng. Paris và những người dân ở đó có thể được diễn tả theo công thức: 1+1=1 kết quả một ở đây là một sự hòa trộn bí ẩn: Mùa đông, hối
hả, mùa thu, mưa, mùa hè, một chút buông thả, mùa xuân, nắng, cùng nhau mỉm cười.
Người dân Paris là gì ? Đó là cả một chương trình ! Một người dân Paris thật sự thường coi Parisien là một quốc tịch thứ hai ngòai quốc tịch Pháp. Đôi khi họ tự tưởng rằng Parisien trước đã rồi mới là người Pháp sau. Là dân Paris không phải chỉ sống ở Paris mà còn sống vì Paris và cuối cùng phải có tâm hồn Parisien.
Paris có phải thuộc riêng cho dân Paris hay không ? Không. Trước tiên cũng thuộc về những người dân tỉnh lẻ muốn đi tìm không khí Paris cuối tuần để hòa mình và
nhuộm tâm hồn Paris qua các sắc thái văn hóa nghệ thuật để cuối cùng tìm đến Paris. Kế đến là những người di dân từ các chủng tộc khác đến tìm cách hội nhập Paris, qua góc cạnh nhìn
của mình, và đã sống thành nhóm từng khu phố mang sắc thái văn hóa riêng tại Paris. Điển hình là khu của những người Nga ở Monparnasse, người Tây Ban Nha ở vùng Passy, người Ả Rập ở vùng
Clignancourt, Belle-ville, La Villette. Còn người Á Châu ở nhiều nhất quận 13 kế đến là khu Belle Ville.
Cuối cùng, người dân Paris thích du lịch trong khung cảnh của cuộc sống hằng ngày và du lịch mãi mãi trong Paris. Paris không phải chỉ là của Paris hay của nước Pháp mà Paris cũng là của Aâu Châu
và của thế giới trong tinh thần văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng thế giới . Nói chung lối kiến trúc của Paris đã đáp ứng từ lúc khởi đầu.
Cái gì làm cho duyên dáng Paris ? Hẳn nhiên là nhiều chứng tích nghệ thuật của những thời đại khác nhau, nhưng hơn nữa, nghệ thuật thời nay đã biết hòa mình và trộn
lẫn một cách hài hòa. Sau hai nghìn năm, Paris đã nâng cao nhu cầu xã hội, chính trị, kinh tế và quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Paris như một cái hộp nhung làm tăng vẻ đẹp lộng lẫy những viên
ngọc quí: những kiệt tác kiến trúc. Đấy là Paris của những mâu thuẩn sắc thái giữa cổ và kim, tạo những sự bất ngờ trong góc độ nhìn của người du khách mà không ai có thể thờ ơ trước những cảnh
trí đầy cảm xúc đó.
Bích Xuân
bichxuanparis@yahoo.com
Paris Trong Mùa Noel
Bích Xuân
Năm nay, chưa hết cuối thu mà tuyết trên cao lả tả rơi xuống ngập cả những con đường bằng nhựa đen cứng biến thành màu trắng xoá. Còn trong tháng 11 mà không khí
mùa Noel bỗng tưng bừng nhuộn nhịp hẳn lên. Các nơi đều chong đèn kết hoa chào đón Noel. Ngày cuối tuần của đầu tháng 12, xe lớn, nhỏ nối đuôi để vào các trung tâm của siêu thị Tây có Á có. Cả
tuần khó thấy lung linh giọt nắng nào của mùa đông(4 giờ chiều
đã thấy tối rồi) nhưng người qua kẻ lại, đường xá đông người, đông xe vô cùng rộn ràng như ngày tết, mặc dầu thời tiết vừa se lạnh vừa ảm đạm, tuyết rơi lất phất… Nhưng hình như bà con không màn
đến thời tiết, mưa, gió, bảo, lạnh gì ráo ! Người ta vào các trung tâm siêu thị ngắm nghé để chuẩn bị mua sắm quà tặng và chuẩn bị những món ăn cho đêm Réveìllon sắp tới.
Đặc biệt mùa Noel năm nay, các siêu thị đông hơn những năm về trước, đài radio cũng như truyền hình thống kê dân Pháp không muốn đi đâu xa. Những hình ảnh du khách bị kẹt tại Thái Lan, cũng như chiến tranh các nơi trên thế giới nhìn thấy trước mắt, hàng ngày, hàng giờ, rồi đến thời tiết, mưa lũ, lụt lội ở Pháp và ở trong các nước Âu châu, như ở Venise chẳng hạn, thành phố trên mặt biển, đã bị ngập lụt các đường đi, mặt nước dâng cao 1,60m, (từ 22 năm nay). Kinh tế tụt dốc đang đe doạ khắp nơi nên dân Pháp không ham muốn đi đâu xa trong mùa Noel năm nay, họ vào các siêu thị, hoặc đi xem hội chợ Noel tổ chức mỗi năm bán những sản phẩm riêng cho mùa này.
Để thích
ứng với hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, trong mùa lễ Noel, đồng loạt các cửa hàng xoay qua biện pháp mới, tất cả mặc hàng đều hạ giá 30ù% đến 50%, riêng áo quần có tiệm hạ giá 65% giúp dân
chúng mua quà Noel trước ngày mà không cần chờ qua đầu năm tới trước kỳ bán giá soldes đầu năm.
Rồi đến xe hơi, ngoài việc giảm giá 20%, 30%, có hãng đã quảng cáo trên truyền hình, mua một tặng… một. Xe hoả xa cũng giảm giá vé đi về cuối tuần từ 25 euro đến 45 euro với điều kiện về trước
nửa đêm chủ nhật. Mua nhà cũng được giảm giá 10% Chi phí của chưởng khế đối với nhà mới đôi khi khỏi phải trả. Có trường hợp người mua nhà được tặng thêm chiếc xe hơi mới nằm trong parking.
Truyền hình màn ảnh lớn LG cũng giảm giá từ 200 đến 300 euro v.v…Chỉ thấy máy điện thoại cầm tay là không thấy giảm giá bán.
Và cũng đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, hội chợ Noel từ bùng binh Khải Hoàn Môn dọc theo hai bên đại lộ Champs
Élysées, hai hàng cây khô còn đọng lại chút lá vàng của tiết cuối thu, với 90 căn nhà nhỏ dựng lên hai bên lề đường dài, cho tới cuối công trường Concorde dài 2 cây số, (tốn phí cả triệu euro).
Trên hai hàng cây có triệu chấm sáng treo trên 415 cây hai bên vệ đường, lâu lâu cùng chiếu sáng như thác đổ. Có hai cây cao, trên mỗi cây, một vầng sáng mầu xanh dương, tượng trưng cho Liên Hiệp
Âu Châu. Hội chợ Noel này có 14 nước trong Âu châu tham
dự, như Bỉ, Ý,Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Áo, Đức, Bồ Đào Nha, Lục Xâm Bảo v.v...Hội chợ mở cửa từ 11 giờ sáng đến 10 giờ đêm cho đến chủ nhật 28/12. Hội chợ Paris bắt đầu tại tại Khải Hoàn Môn đã
lan dần ra khắp nơi ở các quận khác ở trong Paris và nhiều nơi khác ở ngoại ô. Hội chợ ở Công trường La Défense ngày 26/12 sẽ có buổi hoà nhạc…
Người viết cũng ở trong số người đi xem Hội chợ Noel tại hai bên đại lộ Champs Élysées. Đến Hội chợ này đi xe điệm
ngầm là tiện nhất khỏi bị kẹt xe. Vừa lên xe lửa đã nghe có tiếng hắc hơi, nhảy mủi...Trong xe hết ghế ngồi, khách đứng ngay ở lối đi, xe đóng kín cửa. Về nhà thế nào cũng sẽ bị cảm, vì đã hít
thở trong một không khí đầy ắp …vi trùng trong toa xe kín bịt bùng. Riêng về người viết, chắc còn tuổi bẻ gẫy…sừng trâu nên cũng chẳng thấy đau đầu, nóng lạnh chi hết !
Trời se lạnh dưới không độ âm C, du khách rảo bước bên những gian hàng màu trắng được sắp đặt ngay thẳng hai bên ven đường, ở giữa là con đường trải nhựa dành cho xe hơi chạy hai chiều. Nhiều du
khách đến từ các nước Âu châu, kế đến là người Nhật,trẻ, và một số ít người Tàu. Người viết đi lên, đi xuống trên đại lộ này để ý thấy du khách Việt lẻ tẻ chỉ…vài người, chắc có lẽ trời rét quá nên người Việt mình lười biếng đi dạo chăng ? . Đa số du khách là người Âu, rất ít
người Á châu.
Hội chợ Noel bày bán không thiếu món chi, gian hàng đông khách nhất vẫn là những gian hàng áo khoác mùa đông, khăn
quàng cổ, mũ, găng tay, gian hàng bán thức ăn, rượu…nóng v.v… cũng dễ hiểu, tới giờ đói bụng du khách cũng phải ăn, người lớn, con nít đều ăn, vừa đi vừa nhấm miếng bánh chiên phết kem nóng hổi,
ai nhìn thấy cũng muốn ăn. Còn lạnh đầu, lạnh cổ, ở đây có đắc mấy khách cũng phải mua quàng cho ấm lòng, để mà tiếp tục đi dạo tiếp ! Rượu chát đỏ, nóng với giá 3 euro một ly, chocolat 2
euro…Món ăn nổi tiếng của Pháp là món Raclette giá 7 đến 9 euro một phần, bánh chiên 2, 3 euro… Các loại bánh ngọt vẫn giữ giá vẫn bình thường. Nhìn chung chung giá cả vừa phải không quá đắc,
hình như chủ trương của tất cả người bán trong mùa Noel này là để du khách có thể dễ dàng mua sắm, ăn uống…Hội chợ Noel khắp nơi trong Paris nhưng (không giống như trong các siêu thị) chẳng thấy
có các mặt hàng về điện tử, máy hát, DVD, laptop, máy ảnh v.v… Một chuyện lạ, trong hội chợ chẳng thấy hình hài của Chúa Hài Đồng bên máng cỏ chuồng lừa ? Toàn là những gian hàng ăn uống, đặc sản đặc biệt của mỗi nước, đồ vật lưu niệm v.v…
Những gian hàng ít khách là những gian hàng chưng bày những vật dụng trang trí nhà cửa, khách đi ngang qua, liếc
một cái rồi đi luôn, không như gian hàng các loại khăn : khăn lớn, khăn nhỏ, áo tắm…để khách chọn tên ghi trên áo, rất đông khách sắp hàng để đặt hàng. Ngoài ra, tại hội chợ này cũng dành ra một
khoảng đất để giải trí cho các nhi đồng như cầu tụt, xe lửa, đánh đu…Mỗi ngày có ông già Noel ngồi trên xe ngựa để các em cũng như người lớn chụp hình lưu niệm miễn phí. Trời về chiều càng
lạnh, nhưng trên con đường dành cho khách bộ hành, có đặt các lò sưởi lộ thiên, cứ cách vài trăm thước có một lò lửa phựt đỏ, để du khách dừng chân sưởi ấm. Người Tây phương hể có dịp là họ đưa
con cái ra khỏi nhà, dầu con còn bé nhỏ họ cũng để con nằm trong xe đẩy đi, bất kể trời đang giá lạnh, người Á châu mình thì không quen với cảnh này, nhìn những đứa bé được ba mẹ chúng đưa đi dạo
ngoài trời giữa mùa đông rét lạnh từng khía da mà đâm ra lo ngại dùm…Không khí Noel sôi động, đông người đi dạo để coi các mặt hàng, nhưng mua thì không nhiều, thấy tâm lý người mua rất dè
dặt.
Ngoài những gian hàng Noel dựng lên có lớp lang hai bên đại lộ Champs Élysées và ngay cả
trong thành phố Paris, người ta còn thấy có những người đi bán dạo trái chataigne nướng, (tạm gọi là hột dẻ) họ dùng một lò than nướng rất đơn giản để nướng hột dẻ, người bán là một ông tây đã
décor « gian hàng » của mình bằng một chiếc xe gắn máy, khách đi ngang qua đều dừng chân lại để nhìn, và khi nghe mùi thơm trái chataigne bay ra, ai cũng muốn ăn cho ấm lòng giữa mùa đông rét
lạnh. Hột dẻ này (lớn bằng ngón chân cái) cũng đắc ra phết, một gói nhỏ đếm chưa tới 10 hột đã 3 euro…(một trong ngành kỷ nghệ lớn của người Pháp là sản xuất những trái chataigne làm bằng mức bán
trong mùa Noel) Bích Xuân
Trời vẫn lạnh, đêm đã bắt đầu xuống, những ánh đèn đường màu vàng bật lên
lập loè giữa bầu trời ban đêm. Các gian hàng được dựng bên hè phố lung linh sắc màu rực rỡ của những vòm cửa sổ bằng kính đổi màu. Những bước đi của khách bắt đầu bước nhanh, im lặng….
Bích Xuân
MÊ
ANH
Bích Xuân
Mấy hôm nay, tự nhiên trời trở gió bấc, ngấm ngầm tạt vào phòng lạnh buốt. Lộc mặc bộ đồ ngủ màu xanh dương non đã cũ, toát ra nét mệt mỏi hốc hác. Lộc đến bên cửa sổ, vén màn nhìn ra ngoài.
Đường phố vắng ngắt, không thấy có bóng người qua lại. Buổi chiều êm đềm, yên tĩnh một cách như nhìn thấu nỗi buồn của mình. Bầu trời xâm xẩm làm sáng lên những bông hồng rực rỡ trong các lùm cỏ
rậm. Mây rải rác trên không gian. Làn hơi ẩm tụ dưới mặt đất xông lên. Cơn gió lạnh xa xôi, từ phương trời âm u nào đang hụt hơi vẳng tới quệt vào mặt Lộc. Chiếc lá rơi lơ lửng xuống thảm cỏ,
trên những con đường bằng nhẵn bụi mặt đất. Con chim bồ câu chiều vỗ cánh bay, từ nóc nhà bên cạnh sà xuống vạt cỏ xước, rồi lại đập tung cánh bay lượn vòng, chập chờn như một cánh bướm đen, kéo
theo những cọng cỏ rối. Gió lạnh cứ ào ạt, tạt vào những đám lá màu diệp lục đung đưa giữa đám hoa màu có sắc nhợt, tạo thành tiếng động trầm đục.
Trong buổi chiều tàn man dại, như một thứ rượu thấm vào huyết mạch. Lưng Lộc xông lên hơi ấm mùi rượu, nửa như êm ái, nửa như say mê giữa loài cỏ dại mọc trong miền đất lạ, gợi cho Lộc cái cảm
giác bồn chồn, tiếc nuối, khiến Lộc mệt nhọc với những vật vã, vò xé tâm can.
Lộc quay vào phòng tắm, nhìn mình trong gương dưới ánh đèn vàng mờ bạc nhược, đôi mắt Lộc mơ màng xa xăm, vừa buồn phiền, vừa như phiêu lãng no nê ẩn ngụ trong tâm hồn cuồng dại của Lộc.Ž Tóc Lộc đã bạc khá nhiều, Lộc đưa tay vuốt, khều giấu nó dưới lọn tóc, vài sợi hung rơi trên vai.ŽŽLộc lẩm bẩm: « Gớm ! năm mươi lăm tuổi đã xác xơ ! ».
Có tiếng máy xe trước nhà rồi tắt, Lộc nghe tiếng mở cửa biết là vợ con đi đâu về. Lộc ngạc nhiên, một mình con
gái bước vô nhà. Lộc hỏi : « Mẹ con đâu ? » Con gái Lộc tên Giao lén nhìn cha: « Dạ, má đến nhà chị Quy. Má dặn con và ba ăn cơm trước. Má ăn cơm bên nhà chị Quy ».
Lộc làm thinh, vội đi vào phòng mình nằm gác tay lên trán suy nghĩ chờ vợ về. Chà ! chắc nghe ai nói gì nữa đây, nên Lan (vợ Lộc) mới đến thẳng nhà con gái để hỏi ý. Ba mươi năm sống với
Lan, Lộc có hai con. Cô gái lớn hai mươi tám tuổi là Quy đã có chồng, cô kế là Giao hai mươi lăm đang ở với cha mẹ. C ả hai đều có công ăn việc làm khá, vợ chồng Lộc cũng còn đi làm, nên có đời
sống rất tiện nghi sung túc. Mấy tháng nay vợ chồng Lộc cãi vã thường luôn. Lan hạch hỏi chồng về việc chàng có…bồ nhí. Mấy cô bạn thân của Lan trông thấy Lộc đưa cô bồ đi dạo phố, và Lộc nắm tay
một bé trai năm tuổi đi bên cạnh. Nghe Lan cự nự Lộc cau mày, gắt :
- Em nghe chuyện Tề Thiên không hà ! Họ muốn phá gia đình mình đó. Vợ con gia đình của anh mới là số một mà thôi .
Nói rồi Lộc ôm hôn vợ thì thào: « Càng ngày em càng mặn mà trẻ trung, hiếm ai được như em. Mấy thằng bạn nói anh tốt số, nên được vợ hiền con ngoan, nhà cửa lúc nào
cũng ngăn nắp sạch sẽ». Lan nghe chồng nói sướng tai, thầm nghĩ : Chồng mình hào hoa hồi nào đến giờ, đợi đâu đến bây giờ mới có bồ nhí ! Ổng trên năm mươi lăm tuổi rồi còn gì…Tại mình thiếu tự
tin nên ghen bóng ghen gió đó thôi. Đàn ông khi yêu, thấy người mình yêu cũng đẹp, cũng xinh. Mình đã năm mươi rồi, cái tuổi mà làn da và gương mặt đều cũ, vậy mà Lộc nói mình còn nét trẻ là Lộc
còn yêu mình ! Nghĩ vậy Lan cảm thấy dễ chịu .
Sáng thứ sáu Lộc đi làm, buổi trưa Lộc điện thoại cho vợ : « Sáng nay công ty gởi anh xuống Nice để giải quyết công việc. Tối mai em ra phi trường Orly đón anh, lúc
22 giờ, máy bay KL vol số 407. Hôn em và con. Nhớ đón anh nha…» .
Lan rất hài lòng về chồng, nàng cảm thấy chung quanh rực rỡ đáng yêu. Chồng nàng một mực vẫn yêu thương vợ con, Lan thấy mình thật hạnh phúc, mặc dầu Lộc thường xuyên vắng nhà, Lan tự
an ủi vì công việc làm của chàng mà! Mỗi lần đi xa về, Lộc không quên quà cho hai mẹ con nàng, làm nàng rất xúc động, quên đi cảnh đơn độc và bực bội chán nản những ngày Lộc vắng nhà
.
Hai mẹ con chuẩn bị ra xe, thì chuông điện thoại reng.
Lan bốc phôn bên kia đúng là giọng của Lộc, Lộc có vẻ mệt mỏi nhưng cũng rất nồng nàn. Chồng nàng bao giờ lại chẳng thế ! Lộc nói : « Em yêu ! việc làm căng quá, không ngờ giờ này vẫn chưa xong.
Anh mệt qúa ! Phải ngủ một giấc cho khỏe đã. Để em và con ở nhà anh chẳng yên tâm chút nào. Chiều mai anh mới về, nhớ ra đón anh nhé !». Tự nhiên Lan có lại cảm giác chán nản, nàng chưa kịp hỏi
thì Lộc vồn vã: « Em thân yêu, tuy xa nhưng lúc nào anh cũng nghĩ đến em…» Lan mềm lòng khi Lộc xuống giọng, không có lý do gì Lan phải giận Lộc nữa. Tối thứ hai Lộc mới về nhà. Lộc mua tặng vợ
chiếc áo da, đứa con gái cái đồng hồ. Lộc nói cười pha trò với vợ con, mắt Lộc nhìn nàng thật tình, thật hiền. Đố ai biết trong đôi mắt của anh ấy nghĩ gì ! Trong những giây phút này, Lan mong
suốt đời còn lại, Lan vẫn sẽ nhìn thấy đôi mắt chồng lấp lánh thật tình, thật hiền như thế .
oOo
Quy, đứa con gái lớn đưa mẹ ra cửa nói vói theo :
- Má đừng nói lại chuyện này với ba nghen ! Ba biết được, ổng không tha con đâu. Má đừng khóc nữa nghe má…
Lan ra về vừa đi vừa chùi nước mắt, gật đầu để con gái yên lòng. Về đến nhà Lan mở cửa bước vô, thấy Lộc ngồi uống trà nghe nhạc, dáng điệu bình thản an nhiên, đôi mắt
nhìn trần nhà, như mơ màng điều gì. Máu ghen Lan đùng đùng nổi dậy, quên hết những lời con gái dặn, nàng xổ ra một lô bí mật dai như cao su:
- Nè, anh đừng hòng chối nữa nhé ! con Quy nghe anh hỏi trong điện thọai : Con trai cưng của bố mẹ, mẹ con đâu rồi ? Trời ơi trời…
Lan ôm ngực ngồi xuống ghế. Lộc đến trước mặt Lan nhỏ nhẹ nhưng dứt khóat :
- Anh đâu có chối, anh gọi người bạn gặp thằng con trai cưng của bố mẹ nó bốc phôn. Quen biết với bố nó, anh nói vậy không được sao ? Em không thích, anh không nói
như vậy nữa. Con Quy nhiều chuyện quá ! .
Lan hét to :
- Rõ chối ! những facture ghi toàn là sách vở, áo quần con nít còn rành rành đây nè ?
Lộc nói người bạn bận việc, nhờ Lộc mua dùm nhân ngày sinh nhật thằng con nhỏ. Lan gườm Lộc mắt đỏ hoe như sắp khóc :
- Không có đàn ông nào mà đi chợ dùm bạn, đi mua toàn những thứ của con nít hết. Chỉ có con mình mới mua sắm như vậy thôi !
- Đi, anh đưa em đến nhà vợ chồng người bạn, có đứa con trai ấy mà gạn hỏi nhé !
Lan nhìn mặt Lộc, nghe Lộc nói chắc chắn quá nên nàng hạ hỏa. Thế là chuyện đâu vào đó. Những lời con gái dặn dò, Lan đều khai tuốt luốt hết với Lộc.Ž Nghe xong Lộc giận
con gái, con nhỏ này làm như biết chuyện nên muốn làm quân sư cho mẹ nó. Con gái gì mà bản lĩnh như con trai, chẳng nết na thùy mị chút nào, đanh đá nữa là đằng khác.
Giao em gái Quy, đi làm về lái xe chạy thẳng đến nhà chị. Giao nói ngay không kịp thở. Tình cờ chạy xe ngang qua đường Raspail nàng thấy xe Lộc đậu trước số nhà… nàng quay xe chạy lại nhìn
có đúng thực xe ba mình không ? nàng phải đánh một vòng mới trở lại, thì thấy Lộc đi với một người đàn bà, tay đang bồng đứa bé trai…Quy nghĩ má nghi ba có bồ là đúng, không phải mơ hồ nữa,
ba đậu xe đàng kia để đánh lạc hướng. Không biết có nên nói má biết không ? Quy dặn em không nên cho mẹ biết, để chị em điều tra kỹ lại. Cho mẹ biết, mẹ hỏi ba chối thì cũng vậy thôi .
Giao từ nhà chị về, đã thấy mẹ làm cơm đâu đó đã xong.ŽMẹ nói chờ 15 phút nữa ba con về mình ăn luôn! Giao chỉ biết dạ dạ chứ không dám nói gì. Mười lăm phút, rồi đến 30 phút, 45 phút…Hơn
tiếng đồng hồ mà ba nàng vẫn chưa về. Giao biết còn khuya ba mới về giờ này, nên giục mẹ ăn cơm. Lan bấm số điện thoại cầm tay của Lộc, nhưng gọi mãi không được, đành nghe lời con gái ngồi vào
bàn. Aên xong mà Lộc vẫn chưa về. Lan áy náy đứng ngồi không yên, chỉ sợ Lộc có chuyện gì. Nàng ngồi coi tivi chờ Lộc. Giao thấy mẹ lo cho ba nàng như thế xót cả ruột gan, muốn nói toạc ra ba qua
mặt mẹ cho rồi. Nhưng sợ mẹ buồn bực rồi mét lại với ba thì chị em nàng hết đường theo dõi. Khuya lơ mà vẫn chưa thấy chồng về, Lan định gọi con ra nói chuyện cho qua giờ, nhưng lại sợ con gái
cằn nhằn ông bố sống thiếu kỷ luật nên thôi.
Đang lơ mơ ngon giấc bỗng Giao giựt mình, vì nghe tiếng khóc của mẹ, pha lẫn tiếng phân bua kể lể của ba nàng. Một lát sau, Giao nghe tiếng cười khanh khách ậm ự, như có chất lửa của ngọn phong
ba trong trái tim mẹ nàng. Chất lửa bạo liệt khát vọng, cần thiết cho con người tìm niềm vui sống mà mẹ nàng đã từng thất vọng đến hy vọng, có lúc bị vùi lấp như tro bụi. Và mẹ cũng đã từng bùng
nổ, giận dữ chán chường, quằn quại vì bị lãng quên trong bước chân gầy guộc, bước đi từng bước, giữa đám cây đi tìm chồng suốt những con phố dọc ngang, để rồi thất thểu trở về nhà, giữa đêm khuya
như một bóng ma. Mẹ ôm khắc khoải u tối trong góc phòng, với nỗi buồn sau buổi sáng thức dậy. Vậy mà, trong giấc mơ của mẹ, luôn luôn vẫn là khuôn mặt rành rõi « tàn bạo » trong dáng vẻ nho nhã
phóng đãng như thiêu đốt của ba nàng. Ba nàng có cái gì mà quyến rũ…kỳ quái trong cuộc đời mà hết người đàn bà này, đến đàn bà kia quay bọc chung quanh ! Cả mẹ nữa, ngay cả bây giờ, tình yêu mẹ
đối với ba, vẫn thắm thiết nồng nàn, còn in đọng trên hai gò má, đang hằn vết son nhăn. Như vậy, ba có cả một đời vẻ vang trên chiến thắng. Giao bị hút vào những xao động suy tư của mẹ, nên
mất đi một phần vô giác trong tình yêu, với người bạn trai của mình, mặc dầu hiện nàng như đóa hoa trắng tươi, đang nở bung ra mùi hương làm mê mệt các vườn cây.
Giao không hiểu mẹ mình một người đầy nghị lực, lý luận phân minh và khôn lanh cần mẫn trên mọi vấn đề. Chuyện gì nghe trái tai mẹ bắt bẻ lại ngay. Vậy mà, ba nói trên trời dưới biển mẹ lại tin.
Mẹ đối với ba rất có nghĩa có tình, nên đôi khi mất hết lý. Đôi khi nàng có ý trách ba thì mẹ lại bênh. Làm như quỉ tha ma bắt không cho mẹ thấy, không cho mẹ nghe thấy những điều dối trá của ba
vậy, như chuyện ba nói đi làm xa cả tháng mới về mà mẹ cũng tin, làm việc công chức chứ đâu phải buôn bán chuyện áp phe đâu mà phải đ ixa…
Mẹ lấy ba mấy chục năm nay, mẹ không giao du với ai ngoài chồng con, chỉ biết đi làm, tối về chăm sóc chồng con, nhà cửa có nề nếp gia giáo. Mẹ nghĩ bằng cả tình yêu thương và sức lực của mình, để mọi thứ được tồn tại như nó đã từng có. Chuyện này cũng có nhưng còn khuya lắm mẹ ơi ! Những tháng vắng chồng mẹ nàng ngồi thừ ra, gương mặt thất thần, ngơ ngẩn bâng khuâng, hờn nghẹn ứa tim. Mẹ ngồi chỉ thế thôi, rồi tự an phận với nỗi trống trải của mình. Đến khi ba về thì nét mặt mẹ rạng rỡ, ửng lên màu hoa đào tươi thắm, như đang được chuyền sang cảm giác cho cánh hoa cuối mùa trăng trong vắt, đang để gió cuốn đi trong những đêm lạnh tái tê hy vọng đến ngày mai... Ba làm gì, ở đâu ? Mẹ gạn hỏi thì ba nói chính ba cũng chưa biết, sáng mai vào sở mới biết…Chuyện của ba nói láo như vậy mà mẹ còn bênh ba cho được. Tình yêu của mẹ khó cắt nghĩa quá! cứ lận đận tận tụy về nó mãi. Nhưng biết đâu đó, nhờ vậy mà tình yêu nó tồn tại !
Quy đã có chồng nhưng luôn lo nghĩ về mẹ và em, đó là bản tính của nàng, vì chuyện của mẹ nên lần này nàng phải tìm cho ra lẽ. Quy đưa một số tiền, nhờ một người ở trong khu chung cư dò xét về ba nàng. Không bao lâu người hàng xóm cho biết, ba nàng thường hay lui tới ở trong căn nhà người đàn bà kia. Quy giận ba nàng ứa gan, đây không phải là lần đầu tiên, nàng chứng kiến cảnh mẹ ủ rũ, thức khuya dậy sớm chờ ba nàng, mà ngay từ lúc chị em nàng ba, bốn tuổi, mẹ phải đem con đến nhờ bà ngoại giữ, rồi vội vã chạy ra đường lấm bụi, rẽ phải sang trái, tấp nập xe người qua lại, với thần kinh như địa ngục, quanh quất lùng tình địch để bắt ghen. Hình ảnh ấy không bao giờ xa rời tâm trí Quy. Hôm nay hai chị em nàng gần ba chục tuổi rồi, mà mẹ vẫn chưa được yên thân, ba nàng tính nào tật nấy vẫn còn lăng nhăng, làm mẹ nàng khổ sở triền miên. Quy thấy mẹ như thấy áng mây mờ, không có ánh sáng mặt trời.
Hai chị em lái xe quanh khu chung cư để tìm xe Lộc, mãi hơn một giờ mới tìm thấy xe Lộc. Quy nhảy ra xe, đi
một vòng quanh xe ba mình, nhìn trước sau không thấy ai, nàng cúi xuống xì hai bánh xe trước, rồi xì luôn hai bánh sau. Chưa đã giận, nàng bẻ luôn kính chiếu hậu bên trái cho bõ ghét. Phá xong
bảo em lái xe chạy về nhà.
Mới bảy giờ sáng, Quy nghe mẹ gọi điện thọai kể lể với chị nàng là khi hôm ba con đi ăn cơm khách ở nhà người bạn, khi ra về, thấy xe bị đám du côn mất dạy nào đó xì hết bốn bánh xe, bẻ gãy
luôn kính chiếu hậu. Khu vực nào mà du côn quá vậy không biết ! Sáng nay ba con phải nghỉ việc, mẹ đã đưa tiền cho ba đi sửa xe rồi. Ba nàng lại « moi » tiền mẹ nàng nữa rồi… Quy nghe mẹ
nói làm bộ ngạc nhiên kêu trời một tiếng rồi nói Sắp đến giờ con đi làm, coi chừng ba nói dối mẹ đó.…
Nghe mẹ khóc, Quy chịu không nổi. Quy giận Lộc lắm, nhưng không dám nói với mẹ, ba đã có tình nhân, sợ mẹ thêm buồn tủi. Quy nói với mẹ phải cứng rắn, tỏ thái độ
phản ứng…đoạn tuyệt với ba. Lan thấy con gái lớn tức giận, hằn học với Lộc nên Lan gật đầu lia lịa. Quy thấy mẹ gật đầu, nhưng không dứt khoát cho lắm ! Trước khi chào mẹ để ra xe nàng nói lớn :
Không thể mãi vậy được !
Quy đến thẳng hãng làm của em, Quy nói ngay: Nếu tối nay ba không về, em phải đi tìm ba và làm như vậy…như vậy !
Ngay tối hôm đó Giao không thấy Lộc về, nàng lén mẹ lấy xe dọt đến nhà tình nhân của Lộc. Ba nàng đã tìm chỗ khác để đậu xe, nhưng không xa con đường cũ bao nhiêu, nên Giao cũng dễ tìm thấy. Vừa
trông thấy xe Lộc, Giao chẳng cần chần chừ do dự, bắt chước chị đến bẻ cả hai kính chiếu hậu hai bên, đâm 4 bánh xe, tiện tay bẻ cây « ăng ten » trên mui để làm…kỷ niệm. Lần này là Lộc «trúng
mánh» lớn. Sáng hôm sau hai chị em Giao không nghe mẹ nàng nói gì về vụ xì lốp, bẻ kính, như vậy ba nàng dấu nhẹm chuyện đêm qua, âm thầm tự mình đi sửa xe.
Sau hai lần bị phá xe, Lộc nghi là hai đứa con gái mình nhúng tay vào, nên Lộc càng vắng nhà nhiều hơn, cố
tình chọc tức hai con. Lần này thì hai chị em nhất quyết bắt tại trận ông bố ăn vụng cho bõ ghét !
Hai chị em Giao nằm trong xe, gần ngôi nhà tình nhân của ông bố. Rình hai đêm liên tiếp mà không thấy ông bố đâu. Gần hai giờ khuya Quy thấm mệt bảo em về. Bỗng thấy xe Lộc chạy ngang qua, rồi
ngưng lại đậu bên hông nhà người tình nhân. Ba nàng bước xuống xe, vòng ra sau bế đứa con trai, người đàn bà cũng bước ra khỏi xe. Lập tức hai chị em Quy cùng nhảy vọt ra khỏi xe, chạy đến
trước mặt Lộc. Lộc hỏang hốt khi nhìn thấy hai cô con gái, ở đâu lù lù xuất hiện. Cô em cầm sẵn máy ảnh trong tay, đưa lên chụp lia lịa. Cô chị đứng trước mặt bố nói lớn : « Ba hết chối nhé! »
Người đàn bà đi bên cạnh Lộc bối rối sợ hãi, đứng nép bên cánh tay Lộc. Lộc vội la con gái : « Đây là vợ con của người ta, nhờ ba đưa dùm về, các con làm gì kỳ vậy ? Chồng người ta đang ở trong
nhà kia kìa, không tin con vào đó mà hỏi”.
Lộc nghe đứa con gái lớn hét :
- Không vào nhà ai cả. Con chỉ muốn ba về nhà mình thôi. Ba tàn nhẫn vừa vừa thôi, ba lừa dối má, ba đã có con với người đàn bà khác. Còn bà kia, bà biết bố tôi có
vợ mà còn giựt chồng người ta à! Trả chồng lại cho người ta. Nhà bà đã bị động rồi đó!
Người đàn bà nghe Quy hét, vội dành lại đứa con trên Lộc, vừa đi như chạy vừa lẩm bẩm: Bố cô chỉ cho mẹ con tôi quá giang xe thôi…Hai chị em Giao nhìn ông bố đang sượng sùng đứng trơ trơ,
mặt hầm hầm không nói lời nào, vội quay bỏ đi lại xe mình vọt chạy cái vù. Hai chị em Quy nhìn xe ông bố mất hút sau ngã rẽ, rồi mới leo lên xe mình. Giao về nhà một tiếng đồng hồ sau nàng
nghe tiếng xe Lộc về. Nam Giao nghe tiếng chân mẹ ra mở cửa.
Bảy giờ sáng hôm sau. Giao nhảy ra khỏi phòng ngủ, đã thấy ba mẹ ngồi uống cà phê ở phòng khách. Nét mặt mẹ nàng tươi rói, còn ba thì hốc hác đang chìm đắm trong suy tư. Mất ngủ là cái chắc
! Thấy con gái, Lộc bảo ra ăn sáng với bố mẹ đang chờ. Chà ! chuyện lạ bốn phương, có bao giờ buổi sáng mà nàng thấy có mặt ba nàng đâu! Bị động rồi rồi nên ba mới « ga lăng» hai mẹ con
nàng đến thế ! Kệ, miễn mẹ vui, không rơi nước mắt nữa là được.
Phần Lộc , sáng nay không nghe vợ cằn nhằn chuyện gì, biết hai con dấu nhẹm chuyện đêm hôm qua. Té ra thủ phạm đập kiếng, xì bánh xe mình là chị em chúng nó! À chúng nó lại đi bắt ghen thay
cho me. ïLộc biết nói dối vợ, qua mặt vợ như trở bàn tay chứ khó qua mặt hai con gái, nên Lộc bắt đầu ngán hai con gái của mình.
Lộc sống nề nếp trong gia đình được vài tháng, rồi chuyện đâu cũng vào lại đó. Hình như cuộc sống bình lặng
trong gia đình, không cầm được lâu chân Lộc ở nhà. Và như luồng gió xóay u Lan héo úa trở lại, nỗi đau trùm xuống, hết khóc đêm lại khóc ngày, làm Giao đắm chìm trong suy tư. Nước mắt mẹ ở đâu
nhiều quá vậy cứ chực sẵn có dịp là trào ra. Ba nàng đi đâu ? Tình nhân kêu réo, ba mới đi hòai như vậy ! Tình nhân ba là ai ? có phải là người đàn bà và đứa bé trai kia không ? Tại sao
mình và chị Quy rình gần cả tuần nay chỉ thấy người đàn bà, đi sớm về tối một mình ? Người hàng xóm cũng cho biết, từ mấy tháng nay không còn thấy Lộc đến nhà người đàn bà kia nữa. Lạ nhỉ ? Ba đi
đâu ? ở đâu, ổng trốn đâu ngõ nào mà kỹ quá! Giao bóp trán nghĩ hoài không ra. Chuyện tình cảm của người lớn, cứ lôi hai chị em nàng vào trong cuộc hoài mệt óc quá ! Chị em nàng thương mẹ, nhất
định bắt tại trận để cảnh cáo ba ở nhà cho mẹ vui, không ngờ Lộc không ngán mà còn làm “già”ø thêm. Mẹ yêu ba thế kia nên hai chị em Giao không dám cho mẹ hay nếu bà biết ba có nhân tình. Bà dám
tự tử lắm chớ không phải chuyện giỡn chơi…
Một hôm, Lan nhận được bao thư dày cộm. Lan hồi hộp linh tính báo cho nàng biết sẽ có chuyện không vui trong bao
thư. Đúng y như vậy, trong bao thư cả một xấp hình của Lộc hiện ra. Lộc đang bồng đứa bé trai đùa dỡn, nằm ngồi đủ kiểu. Có hình Lộc ôm người đàn bà, người đàn bà ngả đầu trên vai Lộc cười như
vui sướng lắm ! Trong lá thư ngắn viết gởi Lan, đại khái cho nàng biết số nhà, địa chỉ người đàn bà đã sống chung với Lộc trên mười năm nay, và đã có đứa con trai chung với nhau. Lan run lên toàn
thân cảm thấy ớn lạnh khắp nơi. Cơn ghen khích động các mạch máu, khiến nàng muốn xỉu. Lan đau nhói tim, nàng ôm ngực nằm vật xuống cùng với những tiếng nấc lên. Một lúc thật khá lâu. Nước mắt đã
khô, mọi cảm giác lắng xuống. Lan nhìn đăm đăm vào những tấm hình, tâm trạng Lan lúc đó miên man, không biết buồn giận hay ghen, chỉ biết nàng ngồi im lặng rất lâu. Im lặng để nhớ lại những năm
tháng nồng nàn tình nghĩa vợ chồng đã qua, hay nhớ lại những năm tháng, người chồng lợi dụng tình yêu mình để hưởng thụ niềm vui với người đàn bà khác. Tự dưng Lan bình tĩnh lạ thường. Lan cầm
tấm hình Lộc ngắm nghía. Hai bố con giống nhau đấy chứ ! Thằng nhỏ này nàng đã từng đi mua sắm áo quần cho nó đây mà…cứ mỗi lần Lộc nhờ nàng mua hộ chàng những món quà cho trẻ con. Lộc nói tặng
quà sinh nhật cho đứa con trai nhỏ của ông chef ở trong hãng làm. Lộc nói sẽ hoàn lại tiền cho Lan, nhưng chẳng bao giờ Lộc trả lại tiền cho nàng, có khi Lộc còn vay mượn thêm tiền nàng nữa.
Mình bị ông chồng xỏ mũi mà không biết. Mê chồng đến mờ cả mắt, điếc cả tai nên không thấy không hay. Yêu chồng đến như mình mà chẳng được ưu tiên gì ráo trọi, bù
lại sự bất công ngược đãi mình. Hèn gì mà Lộc cứ chê con gái hoài, nhất định nói con trai là nhất thôi. Con gái cho ra nết na con gái, con gái gì như…con trai. Lộc chê con như vậy, mà mình còn
hùa theo để bênh Lộc. Bênh cái khỉ mốc gì vậy không biết ! Mình ngu hết chỗ nói, mình đúng là người bất thường, hết thuốc chữa...
Lan nghĩ đến hai con, tủi thân khóc sướt mướt. Lan nhớ lại những lần Giao nói xa nói gần, cố ý nhắc nhở việc Lộc có tình nhân, để Lan đừng quá tin mà đưa tiền cho Lộc, nhưng Lan không muốn
nghe, ngược lại còn rầy la con là đằng khác. Cả đời mẹ vì ba mẹ không tiếc, nhằm nhò gì chuyện bạc tiền hả con ! Giao biết mẹ nói vậy là để bào chữa, chấp nhận ba nàng rỉ vào tai mẹ những
lời tẩm mật ong, để mẹ xì tiền cho ba xài xả láng. Hai con khuyên lơn, dặn dò gì nàng đem mét hết cho Lộc nghe, nên cha con lúc nào cũng phòng thủ nhau. Lan than : Trời ơi, mình già rồi mà còn
ngu. Chồng đi ôm ấp người khác đến có con, thế mà không hay. Lan nhớ lại lời con gái, tự xấu hổ với mình.
Lan nghĩ sẽ không nói lại cho hai con biết về lá thư hôm nay. Mắc cỡ lắm ! Con nó cười cho thối mặt…
Lộc đi luôn một lèo hơn tuần nay không về nhà. Lan nhìn mấy tấm hình của Lộc máu ghen dồn lên mặt hừng hực. Lan trông cho trời mau tối, đến nhà đôi gian phu, bắt tại trận cho chúng nó
một phen lộn ruột chơi. Nhưng mà, cần gì ban đêm, đến ngay bây giờ. Nghĩ rồi Lan phóng ra xe. Chạy được một khoảng khá lâu, đến ngã tư bị đèn đỏ. Lan ngừng xe, thì bỗng thấy xe Lộc đậu bên lề. Ủa
! sao xe Lộc ở đây ? Lan cho xe đậu một khoảng cách xa xe Lộc, rồi ngồi chờ Lộc trở ra. Lan chờ ba mươi phút rồi mà không thấy Lộc ra. Quái ! Lộc đi đâu đến khu phố này ? Ngôi nhà con tình nhân
nó ở đường Raspail lận mà…Lan kiên nhẫn ngồi chờ. Một tiếng đồng hồ sau, Lộc từ trong khu chung cư số 10 xô cửa bước ra. Lan ngước nhìn cao ốc cao lêu nghêu, không biết Lộc ở phòng nào, tầng nào
vừa mới “chui” ra.
Xe Lộc chạy đi. Lan định rượt theo, nhưng de tới, de lui cho xe lọt ra, thì mất dấu xe Lộc. Lan chỉ biết kêu trời và lái xe chạy đi hướng khác tìm đường raspail. Khi tìm được địa chỉ như trong lá
thư, thì Lan mệt lả vừa khát vừa đói, vừa giận chồng, giận mình. Làm gì cho mệt tấm thân thế này ! Không lẽ ngồi đây chờ Lộc nữa hay sao ? về nhà nghĩ mệt cái đã. Nghĩ rồi Lan cho xe chạy về nhà.
Trên đường về Lan chạy ngang qua con đường vừa rồi, nàng liếc nhìn căn nhà số 10 thì trời xui đất khiến, muốn giúp kẻ đau khổ tìm sự thật. Lan thấy Lộc đang đẩy cửa đi vào trong căn chung
cư vừa rồi. Lan quên hết mệt, ngưng xe đậu vào lề rồi vào theo. Vào bên trong nàng không biết Lộc ở đâu mà tìm. Đi từng lầu này đến từng lầu kia, hy vọng sẽ gặp Lộc đứng chờ trước cửa thang
máy.
Tới từng lầu thứ tư nàng đang ngơ ngác, thì bỗng nghe tiếng Lộc từ bên trong căn phòng bên trái vọng ra, rồi tiếng cười của phụ nữ the thé. À đây rồi ! Lan áp tai sát vào cửa để nghe, rõ ràng là
tiếng của Lộc. Bây giờ phải làm sao ? bấm chuông là chúng biết bị động ngay. Lan nhìn hàng số trên cửa, ghi vội vào sổ tay. Nàng trở ra lấy xe chạy về nhà. Hai giờ khuya Lan thay áo, xuống bếp
tìm con dao bỏ vào xách tay, rồi ra xe chạy lại căn nhà số 10. Chiếc xe Mercedes của Lộc vẫn còn đậu đó. Lan đến gần xe, lấy con dao trong bóp, đâm thủng 4 bánh xe, bẻ hai kiếng chiếu hậu. Khách
đi đường quay nhìn lại. Lan nói xe này là của tôi đó. Rồi Lan chạy lên tầng thứ tư, dán tờ giấy trước cửa báo cho Lộc biết, nàng đã biết hết mọi chuyện của Lộc.
Lộc thấy tờ giấy dán trước cửa, vội vã chạy ra xe, xe nát bánh, bể kiếng. Hồn vía lên mây Lộc leo lên taxi chạy về nhà. Lộc về thấy Lan đang đứng ủi áo quần. Lan không hỏi, không nói, không nhìn.
Lộc thấy Lan dửng dưng sắc mặt lạnh lùng tím ngắt, dường như có âm thanh xuyên qua không gian. Ô, đâu phải cái bóng của người đang mong chờ ngày nào, với đôi mắt uớt qua hàng mi ! Đôi mắt yêu
thương đang nhìn xuống đáy vực, cuối chân tường lún phún cỏ dại, còn dính giọt mưa hoang dã. Đôi mắt kia vĩnh viễn như không còn nuối tiếc. Sao mà quan trọng thế này ! Nhà tự nhiên buồn như có
tang vậy nè ? Dấu hiệu sơ khai của sự tan nát chia xa…Lộc chịu hết nổi hét lớn :
- Chưa từng thấy ai trên đời này, mà hung dữ như mẹ con em...
Lan nói mặt không ngẩng lên:
- Nè, chỉ mình tôi thôi nhé ! không được lôi các con tôi vào.
- Tôi sẽ đi thưa mẹ con em, đã đập phá xe tôi .
Lan run rẩy :
- Tài sản chung của vợ chồng, phá hay giữ là quyền của tôi. Anh đi thưa cảnh sát đi !
- Em biết tôi ở trong căn phòng đó, sao không bấm chuông, người ta sẽ mở cửa cho em vào.
-Vào à ! anh toa rập với họ đánh tôi rồi bảo tôi vào nhà ăn cướp thì sao ?.
Lộc dậm chân khổ sở :
- Trời ơi là trời! trong đó là sòng bài, anh đến để chơi bài mà…
Lộc thấy Lan hơi chưng hửng, nên còn hy vọng. Lan vội lấy xấp hình trong xách vất trước mặt Lộc. Lộc cúi lượm mấy tấm hình rơi dưới đất kêu hỏang lên :
- Trời ơi ! Ai chơi ác vậy nè ? lấy mặt tôi ghép vào hình ai vậy ?
Lan đốp chát :
- Vào người đã từng lừa gạt tình cảm tôi, mấy chục năm nay đó...
Đầu Lộc rủ xuống những tấm hình:
- Em ơi, em bị ai gạt rồi. Họ ghép hình người này vào người kia ở trong computer thiếu gì, họ muốn phá mình đây ? Mấy tấm hình này ở đâu mà em có ? em phải nghe anh
đừng tin ai cả. Có phải chị em con Giao con Quy đưa hình này cho em phải không ?.
Đến lượt Lan kêu trời :
- Anh đừng ăn nói hồ đồ. Mấy chục năm nay tôi nghe lời anh mà ra như vậy. Hai đứa con tôi không thèm biết chuyện tồi tệ của anh đâu ! Cấm anh không được nói đến các
con tôi đó.
Lộc đến hít vào mái tóc Lan:
- Trời ơi ! Con chung mà làm như là con riêng của em không bằng !
Lan bối rối xô Lộc ra.Vừa lúc đó Giao đi mua bánh để ăn sáng về, thấy ba mẹ đang cãi vã, nàng đi thẳng lên lầu, Lộc gọi ngược lại :
- Giao xuống ba hỏi chuyện!
Giao ái ngại nhìn cha, rồi đến bên cạnh mẹ, Giao nhìn những tấm hình Lộc với sắc mặt nhiều thắc mắc. Giao làm thinh ngó cha, rồi lén nhìn mẹ chờ đợi. Lộc sừng sộ hỏi con:
- Có phải con đưa hình này cho mẹ không ?
Giao trừng mắt ngạc nhiên nhìn cha:
- Đâu có ba ! Những tấm hình này chụp ban ngày, đâu phải loại hình chụp ban đêm…
Lộc đã hiểu ôm đầu đi vào phòng. Giao gọi phôn cho chị nói đến nhà mẹ gấp, vì đang có chuyện gây cấn giữa ba và mẹ. Quy nghe em gọi liền lấy xe chạy sang, khi nhìn thấy xấp hình của Lộc đùa
dỡn với người đàn bà cũng ngạc nhiên như em, hai chị em không biết ai đã có những tấm gình này mà gởi đến cho mẹ nàng.
Lan bắt đầu kể lại từ chuyện lá thư, cho đến chuyện Lan bắt gặp Lộc, trong khu chung cư số 10 cho hai con nghe. Hai chị em Quy mới vỡ lẽ . A ha; như vậy chính là người đàn bà trong hình này
đã gởi thư cho Lan, vì Lộc có tình nhân mới nên bỏ rơi bà ta, nên bà ta tức giận gởi những tấm hình Lộc đã có con chung với với bà để làm bằng cớ.
Sau chuyện đổ bể này, Lộc đi đâu không về nhà ba tháng nay. Sau khi đã bàn chuyện với hai con gái. Lan nhất
định nộp hồ sơ ly dị Lộc, Quy đã có chồng nên hiểu thế là khổ đau, hạnh phúc ; còn Giao em nàng hai mươi lăm tuổi, đã có bạn trai nhưng cũng chưa muốn tiến tới, vì đang âu lo bởi những hình
ảnh trăn trở u uất của mẹ, cứ hiện ra trước mắt như một tia sáng buồn. Tia sáng buồn ấy như muốn đẩy xô em nàng bay ra xa hạnh phúc gia đình, thứ hạnh phúc trong lớp sương mù, mặc dù đôi lúc cũng
thật dịu ngọt êm đềm…Tình yêu như đồng lúa thơm bông gạo, chỉ đến một lần trong đời mẹ, cho đến hôm nay đã thành năm tháng cô đơn trong dĩ vãng, và tuổi trẻ như rừng xanh còn uớt sương lẻ loi của
mẹ, đã dạy nàng khôn lớn và kiên nhẫn, trong bầu không khí lãnh đạm của những ngày đông u tịch chợt đến.
Trước những dằn vặt tâm lý, hai ba lần mở đóng hồ sơ để ly dị, Lan không đủ can đảm cầm bút ký vào bản ly khai với Lộc. Ngày đầu tiên, Lan ra văn phòng luật sư ký
giấy nộp hồ sơ. Lộc hay tin, vội điện thoại nói gì đó, Lan lại hủy bỏ. Mãi đến hai ba tuần sau nghe con gái nhắc, Lan chạy ra văn phòng luật sư mở hồ sơ lại. Bây giờ thì Lan đã nhận được trát
tòa, nàng và Lộc trong tình trạng ly hôn, nhưng vừa mới đây, Lộc về nhà năn nỉ ỉ ôi chuyện gì, Lan động lòng dấu con, lén ra nhà băng rút tiền đưa cho Lộc .
Một hôm, hai chị em rủ nhau đi chợ, bỗng thấy ba mẹ nàng ngồi ăn cơm trưa trong một nhà hàng. Ba mẹ nàng đang nói chuyện gì đó không để ý những gì xung quanh, hai
chị em đều nhìn thấy, trong tia mắt của mẹ lúc ấy như vòng nước long lanh trong thiên đường, có cảnh địa ngục trắc ẩn mơ hồ, hẳn là trong tâm hồn mẹ đang trơ trọi một góc trong lũng sâu khuất
lấp. Hạnh phúc của mẹ sao khó nắm bắt, có vun đắp cách mấy cũng không giữ được. Chuyện ba mẹ chưa dứt khoát, sẽ còn tối tăm, không tìm đâu ánh sáng con đường phía trước. Nhưng không thể mãi vậy
mẹ ơi ! Gần sáu mươi tuổi mà ba vẫn chưa chịu dừng chân. Không biết sau một lô nhân tình này, ba còn có thêm bước cuối nào nữa hay không ?
oOo
Hai chú chim bồ câu đang nép vào một gốc cây to bên đường, dưới gió xuân lất phất. Sắc hồng ấm của nắng, và cả một sự háo hức sắc vàng chờ đợi của mai. Tết sắp về trong lòng mỗi người, làm rõ
thêm sự tương phản của những người mang nhiều tâm sự, chợt nhớ chợt quên trong một khoảnh khoắc. Quy nhìn đôi vai gầy lưng mỏng của mẹ, đang ngồi nhìn những bông hoa đang rơi rắc đầy trên cây như
đang chui vào ngõ ngách của tâm hồn. Mẹ như rung lên sau lớp áo hoa tím than, trong dáng dấp héo mòn khát vọng. Lan quay lại nhìn chăm chăm vào cặp mắt nhung đen của con lấp lánh một bản năng rắn
rỏi đầy nghị lực. Lan nói với giọng trầm vì nghẹn, làm Quy lặng người :
- Tết này, chỉ còn có ba mẹ con mình mà thôi…
- Tết nào mà chẳng có các con của mẹ!
Lan nghe con gái nói làm thinh, ngước nhìn lên trời mây bay lơ lửng. Trong phòng Giao im lìm, Quy nhìn mẹ và
em. Quy thấy hình như mẹ đang sắp ứa ra giọt lệ định mệnh, còn mệt nhoài đọng dưới hàng mi. Căn nhà thiếu bóng đàn ông, làm mẹ nàng cảm thấy trơ trụi quạnh hiu thêm ra. Quy có đôi phần uất
ức cảm giác tủi cực như mẹ. Mặc dù bao nhiêu năm, hai chị em nàng đã khắng khít nơi đây, nhưng đã tách lìa quả tim của Lộc ra khỏi cuộc sống gia đình rồi. Quy nghĩ về một người có máu huyết mình,
cảm thấy thật gần mà cũng thật xa. Giao thì ngồi nhìn chị lặng thinh, có chút gì đau đớn với chị trong cùng một ý nghĩ mình. Giao đến bên mẹ nói:
- Hãy vui lên mẹ ơi, để đón mùa xuân mới sắp tới với chúng con. Yêu ba thì mẹ vẫn, nhưng mẹ không thể sống như vậy mãi. Mẹ phải có cuộc sống riêng. Không cứ trói
buộc cả đời vào cái bóng đang trơn tuột qua những kẽ tay. Sự thật chứ không phải mơ hồ nữa. Mẹ không thể để nghiệt ngã và đớn đau có cội rễ ngự trị. Thời gian mầu nhiệm sẽ vơi đi nỗi buồn mẹ ạ!
Mẹ cứ tưởng tượng đến một bãi biển hoang, chung quanh có cỏ tím trắng, đồng xanh pha sắc sương sớm trong lành. Trước vẻ đẹp thiên nhiên, có gió thổi ngọt ngào, thân cây phơi nắng, có chim sóc
trên cây. Ban đêm có trăng dính trên cành, thật quyến rũ với phút lãng quên. Lúc đó gương mặt của mẹ sẽ hết còn đờ dại, đôi mắt hết bồn chồn chờ đợi kẻ ra đi trở về. Can đảm mẹ nhé ! Ba thế nào
cũng là ba của chúng con, chẳng bao giờ chúng con bỏ ba. Còn bây giờ mẹ phải có một cuộc sống tinh thần ổn định.
Nghe em nói Quy lại sợ cái cảm giác của mẹ bị chao động, hình như trong đời mẹ không có tuổi xuân, làm nàng lạnh buốt sống lưng. Quy nhìn mẹ nét mặt như dại như ngây. Lan
nói trong kiêu hãnh:Ž
- Mẹ đã có hai con bên cạnh là mẹ hạnh phúc lắm rồi !
Nói rồi Lan vội nhìn xuống đôi bàn tay khô xác của mình, nhưng đã tích tụ một quá khứ xa xôi của mình, đang nứt nẻ ngoằn ngoèo thấy rõ. Ảo giác như còn đang xen vào những giấc mơ đã héo
tàn. Bàn tay thon đẹp bây giờ đã biến dạng vì công việc, vì thời gian làm nó xấu đi. Ừ, con nói đúng! Đến lúc cũng phải dọn cho mình cuộc sống bình an cho tinh thần. Mình cũng đã già rồi ! Giao
trông thấy mẹ tần ngần nhìn xuống đôi bàn tay. Trong khảnh khoắc ấy, mẹ nàng như nhìn về quá khứ xa xăm, đang bị xóa nhòa, nhưng nàng có chút kiêu hãnh trong tình yêu tuyệt đối của mẹ. Mẹ cần ba
có mặt trong nhà, cũng đủ thấy niềm vui như ngọn lửa ấm gia đình. Biết chồng lạnh nhạt, nói dối viện cớ đi làm xa để gặp tình nhân mà mẹ vẫn tha thứ. Mẹ đã nhắm mắt làm ngơ, và những bất công
ngược đãi với mình. Tình yêu của mẹ đánh đổi một sự bất hạnh, mà vẫn mãi tồn sinh ở đời. Giao nhìn vào mắt mẹ, có những ánh sáng êm đềm thầm nghĩ : Mẹ có nét thanh tú, lời nói ngọt ngào,
đôi mắt hiền thế kia, lẽ ra mẹ phải được hưởng hạnh phúc…
Giao cảm nhận một tình yêu, sự đồng cảm cùng xót xa với mẹ đang vặn thắt con tim. Bỗng hai chị em đến ngã vào đôi tay mẹ, đôi tay chẳng còn đâu là da thịt, nhưng có cái gì đó đang tỏa lan ra thấm
nhòe cảm giác. Giao như muốn chuyền nguồn sinh lực tuổi trẻ, theo dòng điện lan truyền qua lớp da mỏng khô cằn cho mẹ, để được ấm ấp đầy vào má mình, như đã từng ấp ủ vuốt ve lên mái đầu, một
nhịp sống biết bao êm ái thanh bình, trong những năm tháng qua.
Bỗng có tiếng bấm chuông rồi tiếng chìa khóa mở cửa lạch cạch. Lộc xuất hiện toàn thân cứng đờ, trong một cảm giác như chờ đợi, khắc khoải, ăn năn tận cùng trong mắt từ sâu thẳm cơn đau. Hai bàn
tay Lộc xoa xoa vào nhau khẳng định, muốn phân bua một điều gì đó nằm trong cái phiêu lưu con người. Lộc tắc nghẹn trong câu nói : Có lẽ nào không thể tha thứ cho anh! Mắt Lộc không dám nhìn vợ
con, vội quay ngay đi nơi khác, vì sợ vợ con nhận ra mình đang sắp khóc. Chỉ có vợ, chỉ có vợ con mới giúp Lộc tìm ra lối thoát, mỗi khi chàng vấp ngã. Tất cả vẫn còn đang phía trước, dang rộng
đôi cánh tay chờ đón. Tất cả bây giờ là ở đây, hình như không hề có những chuyện hắc ám hôm qua, không hề có những cơn mê sảng ngông cuồng, vui đùa điên khùng đã dập tắt ngưng đọng trên môi…Dòng
điện từ đôi mắt của Lộc trộn giữa sự ăn năn khẩn khoản, ngớ ngẩn, chập vào luồng điện trong làn môi nhạt màu của Lan, đọng một nụ cười bao dung ngơ ngác…Quy và Giao thấy mẹ đang run ray, sợ hãi,
bởi cảm giác mất mát của cái được trong cùng một lúc. Giao đẩy nhẹ mẹ đến bên cha để thấy người trở nên bé bỏng yếu ớt đang cần sự chở che của cha.
Hai chị em Giao sung sướng, bắt gặp mái tóc mẹ bồng bềnh trong vòng tay cha, dẫu có chút gì ngượng ngập cả hai
bên. Bỗng dưng hai chị em nàng cảm thấy, ba mẹ nàng bây giờ mới thật sự gắn chặt vào nhau vĩnh viễn, chứ không phải là những giây phút mỏng manh, ngắn ngủi. Hạnh phúc đâu chỉ một con đường mà
phải trải qua rất nhiều thử thách. Hai chị em lặng lẽ nhìn vào những giây phút hiếm hoi hạnh phúc, trong thiêng liêng trìu mến về tình yêu khắc khoải, về lòng vị tha, về bí ẩn con người…
Hai chị em buớc ra bên ngoài, gió vi vu êm ả trong làn không khí trong trẻo, rực rỡ trên hai gương mặt đầm đìa nước mắt. Hạnh phúc đang lấy lại sự thăng hoa của con người, theo một âm điệu
xôn xao tình yêu mà không là điều gì khác, trong niềm cảm thông hạnh phúc…
Bích Xuân
bichxuanparis@ yahoo.com
CHỢ TRỜI
Bích Xuân
Một buổi sáng nắng vàng rực rỡ, tôi chuẩn bị đi một vòng
ngoài chợ trời cách nhà tôi hơn cây số rưỡi. Đi chợ trời cũng có cái thú, đến đó mua thứ gì cũng có, như cái áo thun mới mua ở ngoài chợ trời rẽ hơn phân nửa ở tiệm. Nói chung món nào bán ở chợ
trời cũng rẻ hơn là mua ở tiệm nhất là áo quần, giày dép, mũ, xách cho đến những hàng trái cây, hàng thịt, hàng cá, gà quay và dụng cụ cho phòng tắm, nhà bếp…Hàng bán áo quần là đông khách nhất
vì 2, 3 euro một cái nên người mua mặc sức chọn lựa. Những biển hiệu trên áo quần mới này đều bị cắt bỏ hết. Áo quần này những tiệm bán không chạy, cuối cùng bán cho những người chuyên thầu
những mặc hàng bị ứ đọng để thẩy ra chợ trời.
Ở Pháp, thị xã nào cũng có những khu chợ trời, 3 ngày mỗi tuần, có nơi 2 ngày. Chợ trời có nơi vào ngày thứ ba, thứ sáu. Nơi khác, thứ bảy, chủ nhật…Người bán ở chợ bán đủ 3 ngày, có người bán năm, hoặc bảy ngày một tuần, nếu họ có sức khỏe và những khu chợ trời khác còn chỗ. Những người buôn bán này không cố định phải bán một chợ mà họ được quyền bán nhiều khu chợ trời khác nhau . Chợ trời có đủ 4 mùa, có điều lạ, dầu cho trời lạnh dưới không độ âm, khách cũng trùm khăn, đội mũ, mang bao tay, áo ấm đi ra chợ trời coi hôm nay có thứ gì mới lạ không ?
Để giữ
chỗ cho cả năm, tháng nghĩ hè người bán ở chợ trời vẫn phải trả tiền. Không mua một nơi cố định, người bán sẽ bị đổi chỗ lung tung, chủ chợ chỉ chỗ nào thì lấy chỗ đó, bán buổi nào chủ chợ
thâu tiền buổi đó. Chợ đông nhất vào lúc 10 giờ 30 sáng và tan vào lúc 1 giờ chiều.
Trong thị xã tôi ở có 3 khu vực tổ chức chợ trời. Khu chợ trời tôi đến hôm nay có hai ngày chợ trong tuần, thứ ba và thứ sáu. Khu chợ trời này ngay nơi tòa đô chính của thị xã. Trong chợ có
8 gian hàng bán trái cây, 9 hàng thịt đủ loại như : dê, thỏ, gà, ngựa…xúc xích khô. 4 hàng cá, 2 gian hàng bánh, hàng thức ăn tươi. Gian hàng trái cây khô, của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, ngoài
ra có hơn 50 gian hàng như : hoa tươi, đồ trang sức, vòng vàng giả, mỹ phẩm, kính mắt, áo quần, hàng vải, rideaux…
Có những khu chợ trời, đậu xe nơi công cộng phải trả tiền dầu là ngày chủ nhật (thứ bảy thì đưọc free, một tuần được đậu xe miễn phí một ngày và
lễ). Hầu hết người ta đến chợ trời ngày chủ nhật nên không ai để ý, khi ra về mới thấy hàng xe đậu hai bên lề đường đều dính phạt « bươm bướm » xanh trên xe.
Vì có ba ngày chợ trời nên số người đi làm cho công sở có quyền phụ bán hàng với vợ ngày cuối tuần, nhưng họ không được cấp giấy phép để hành nghề buôn bán vì đã có công việc làm rồi. Sau khi có
giấy phép, người bán nộp đơn xin chủ chợ trời, chủ chợ sẽ sắp chỗ cho mình, (người buôn không có quyền chọn lựa). Chủ chợ cũng có quyền từ chối món hàng mình muốn đặt bán với lý do trong chợ đã
có người bán món hàng đó rồi. Nhưng cũng có nhiều chợ có đến 5,7 gian hàng bán cùng một món . Chủ chợ sắp mỗi gian hàng này ở mỗi góc xa xa. Những người bán kiểu này là bán hàng rong họ đến
bán thử, nếu được, lần sau đến bán tiếp, nếu thấy ế họ « chuồn » luôn… Mỗi tuần có 3 ngày chợ, con buôn phải có mặt bán đủ 3 ngày, luật như vậy là để lúc nào chợ cũng có đông người
bán.
Người bán ở chợ trời khi về hưu, không được quyền sang nhượng chỗ bán của mình lại cho ai, nếu có, hai bên thương lượng với nhau rồi người mua cứ đưa tiền khơi khơi cho người sang lại chỗ. Nhưng người sang chỗ phải xin phép người chủ chợ và đưa bao thư thật đầy cho chủ chợ, lúc đó chủ chợ mới nhắm…mắt để cho người mới này vào chợ tiếp tục bán món hàng vừa được sang lại.
Chủ chợ
là người làm việc cho nhóm người thầu, họ có nhiệm vụ trông coi, và sắp xếp chỗ cho giới buôn bán, phần đông chủ chợ là người trong gia đình hoặc bà con với người thầu.
Chợ trời ai muốn bán gì thì bán, ví dụ : một chợ ba, bốn tiệm gà quay, nhưng có chợ chỉ một người bán gà quay thôi, bởi chủ chợ đã bị người bán gà này đã mua đứt bằng cách hối lộ tiền, nên
chủ chợ không cho người khác đến bán món gà nướng nữa. Mỗi lần thâu tiền chợ, lúc nào chủ chợ cũng có tiền « típ » và lúc nào những người bán trong chợ cũng làm chủ chợ vui lòng, chủ chợ mua gì
không ai tính tiền.
Một người Việt Nam tên Nam gà, vì cách ướp gà sả tiêu của ông rất mặn mà thơm, ngon. Tôi tìm ông đến ông. Ông bán hai loại gà nướng lớn và nhỏ
trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Mỗi ngày ông bán được 200 con. Loại gà nhỏ ông mua vào 2 euro, bán ra 7 euro. Gà lớn nuôi ở nông trại, ông mua một con giá 3,50 euro, bán 13 euro. Ông
cho biết cách đây 10 năm chỉ việc xin vào bán gà nướng ở chợ trời thôi mà ông phải đưa bao thơ cho chủ chợ trong đó có 2.500 euro, một thời gian bán gà quay, ông mua được căn
Appartemnt 40.000 euro. Thấy bán gà nướng tiền vào túi dễ dàng, ông xin thêm 4 m² trong một khu chợ trời khác để bán gà, và bao thơ lần này nặng ký đến 7000 euro, nhưng chủ chợ từ chối
vì trước ông Nam đã có người khác tặng chiếc xe hơi mới keng cho chủ chợ rồi.
Tôi hỏi :
- Chợ trời có gì đặc biệc mà người ta phải mất tiền để được vào đó, mùa hè thì không sao đến mùa đông lạnh từng khía da…
Ông Nam nói :
- Ừ, vậy đó ! Xin vào bán ở chợ rất khó, mà muốn bán gà nướng còn khó hơn, có nhiều chợ trời nằm trong khu giàu, nhất là Paris ở quận 8, 15, và 16 bán cái gì cũng gấp hai, ba lần ở chợ khác, nên
phải có bao thư cho chủ chợ…
- Chợ trời thường xẩy ra những chuyện gì ?
- Thỉnh thoảng cảnh sát vào thình lình để xét giấy tờ,
người bán không khai báo sẽ bị phạt ngay như trường hợp của tôi, vợ bị cảm tôi mướn tạm người đứng bán, cảnh sát đến hỏi và tôi bị phạt 1.500 euro vì mướn người trái phép.
Ông Nam ngưng nói, móc trong áo ra bao thuốc lá, rút một điếu châm lửa hít một hơi rồi nói:
- Gà quay là món dễ bán nhất ở chợ trời, các món khác khuất lại để mua lần sau chứ đói là phải ăn . Gần trưa nghe thơm phức mùi gà nướng nên ai cũng muốn mua…
Ông Nam phì phà khói thuốc vừa nói với lời hằn hộc :
- Chủ chợ trời ở đây là thằng mị dân ăn hối lộ đủ mọi cách. Trong chợ trước kia chỉ mình tôi bán gà nướng thôi, tôi đã bao thư cho nó để độc quyền bán gà nướng, nó gật đầu hứa, nhưng lại
cho người thứ hai vào chợ bán gà nướng, rồi đến người thứ ba…Bây giờ số gà nướng của tôi bán ra mỗi ngày chỉ được 30, con thôi.
- Ở Pháp mà cũng hối lộ cho chủ chợ vậy sao ! Gà bán ra ít hơn so với lần trước thì có đủ chi phí không ?
Ông Nam gà nói :
- Giới bán buôn ai cũng biết chủ chợ hối lộ mà không dám làm gì, mình thưa nó thì mình cũng mất chỗ để bán. Chủ chợ có đủ quyền hành ở trong tay, vào đây thì phải chịu thôi…Gà bán ít
tôi phải xin bán thêm các món khác như : Cơm chiên, chả giò, gỏi cuốn, gà xào với rau cải…
Tôi lại tò mò :
- Gà nướng bán không hết thì làm sao ?
- Gà còn lại thì đem cho bạn bè, cho người bán cá trong chợ, hàng cá bán không hết họ cũng cho tôi. Gà đem về làm gà xào chua ngọt, gà làm cơm chiên để chủ nhật bán tiếp, gà làm thứ khác không
xuể thì đem vất đi. Tôi đã biết số khách của mình có bao nhiêu rồi nên gà nướng vừa đủ để bán. Gà dư, gà thiếu có ngày không chênh lệch bao nhiêu.
- Ông có thấy người giàu sang đi chợ trời không ?
- Sao lại không, mấy bà nhà giàu cứ đi loanh quanh trong chợ trời mua ba các thứ để chùi chân ở trong xe hơi, khăn để chùi nhà, để rửa chén, giày, dép đi trong nhà…Giàu nghèo chi cũng thích
ra chợ trời ráo !
- Có khi nào con buôn ở trong chợ đánh nhau không ?
- Có chớ.
- Tại sao ?
- Thì bên này lấn qua chổ bên bia vài ba phân là có chuyện…
- Lúc đó thì cảnh sát đến ?
- Không, chủ chợ đến dàn sếp.
- Ngoài mấy chuyện này ra ở chợ trời có chuyện gì lạ nữa không ?
- Thỉnh thoảng có khách bị ngất xỉu, có người bị móc túi vậy thôi…
- Mùa đông đứng bán ngoài trời mấy tiếng đồng hồ lạnh buốt chịu sao nổi, và lạnh nhất là ở đâu ?
- Thường thì lạnh nhất là hai lòng bàn chân đến đầu gối, tồi vùng thắc lưng rồi đến hai bàn tay. Phải có máy sưởi để bên cạnh chứ không thì…chết cứng.
Thình
lình trời bỗng kéo mây đen, gió thổi ù ù rồi sấm chớp ầm ầm. Cơn mưa to lớn đổ xuống thật nhanh, khách vội vã chạy tránh mưa dưới những cây dù của người chủ hàng trong chợ. Cơn mưa kéo dài 15
phút, tôi đứng tránh mưa dưới cây dù của người bán trái cây nhìn sang bên gian hàng phía trước gian hàng bán áo quần trưng bày trêm sạp. Người đàn ông mặc quần jean, áo jacket hối hả trải
tấm dãi dầu trên đống áo quần để tránh những gịot mưa bắn vào.
Tôi đứng nép người vào bên trong, nhưng nước mưa bắn vào hai ống quần bị ướt đẫm. Tôi đưa mắt người bán hàng phía trước, rồi nhìn mặt đường ướt sũng những cơn mưa nặng hạt mà tôi không trù
tính là sẽ có mưa.
Trời hết mưa, tôi cảm ơn người bán hàng để tôi tránh cơn mưa. Trên suốt con đường trở về nhà, tôi cứ suy nghĩ hoài về những người bán hàng ở ngoài chợ trời hôm nay…
Bích Xuân
NGỒI QUÁN
Bích Xuân
Paris nổi tiếng lâu nay về những quán càphê. Sang trọng
cũng lắm, quán cóc cũng nhiều. Ngồi quán cà phê có cái thú của nó. Có thể hóng chuyện của người khác, kể lễ chuyện của mình hay trầm ngâm thả hồn phiêu bạt.
Gần đây với lượng người Việt mỗi ngày một đông, những quán cà phê Việt mọc ra nhiều hơn, nhộn nhịp hơn. Cũng có những quán tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa nhưng ít nhiều cũng thêm hương
sắc phố phường.
Tôi đến quán vài lần, lúc đầu, một mình, một bàn, sau thì bàn của tôi không còn chỗ để thêm ghế. Họ tưởng tôi « buồn tình » hay « sầu đời » nên vào đây mượn hương đưa của rượu để tiêu sầu, nhưng đâu ai biết là tôi vào đây để làm một phóng sự « Ngồi Quán » cho Trẻ tại Hoa Kỳ.
Tuy gọi là tiệm café nhưng tiệm có bán thức ăn, rượu mạnh, cá ngựa, lô tô, game…Tiệm café có bán những thứ vừa kể trên là tiệm bình dân. Tiệm
café của Tây là ra vẻ của Tây liền, tiệm café có hầm bà lằng như vậy là loại tiệm bình dân. Tiệm café của Tây thì khác, ngăn nắp, bài bản, trật tự và trang trí trang nhã hơn. Tiện
café của người Á châu vẫn cái vẽ luộn thuộm muôn thủa, chỉ khác là có những chàng Tây đang đứng làm việc ở quầy rượu.Tiệm café tôi vào lần này ngay trung tâm khu vực của người Á châu, chung
quanh là những nhà hàng và các siêu thị buôn bán tấp nập. Tiệm này luôn luôn đông khách cả Tây lẫn Ta, có trật tự hơn và may mắn là gần bên đồn cảnh sát.
ca sĩ Văn Tấn Phát.
Quán có tên LiLy’s café này có ca nhạc vào chiều thứ bảy và chủ nhật, từ 2 giờ
đến 8 giờ tối. Một nhạc sĩ kiêm ca sĩ Văn tấn Phát lừng danh một thời. Anh hát đủ thứ tiếng, Việt, Pháp, Anh, Lào, Thái…
Mùa hè, có bàn để ngoài hiên dành cho khách hút thuốc. Giá không đắt không rẽ : một ly bia 3,50 euro, chai Cocacola 3,50 €, ly kem cũng 3,50 €, cà phê xíu 2,50 €. Cà phê ở phố sang thì 5 €. Còn rượu thì 4,45 € đủ giá và tùy loại rượu. Người Việt ở Mỹ sang Paris lần đầu thấy ly cà phê đậm đặc bé tí không khỏi ngạc nhiên…
Những câu chuyện người, chuyện đời.
Khoảng 6 giờ chiều, tiệm trở nên thưa khách dần. Số khách còn lại đa số là đàn ông là đàn ông độc thân, đàn ông có vợ, đàn bà có chồng…Người độc thân, cô đơn, buồn là chuyện dĩ nhiên, nhưng người
có chồng, kẻ có vợ mà cũng lắm chuyện nặng nề. Họ tìm đến nơi đây chắc uống rượu cho say, để quên nổi niềm, nhưng chả quên được gì mà còn hao xu và say nghiêng say ngả, còn mối sầu thì vẫn trơ
trơ…
Một chị khoảng 35 tuổi, có mái tóc mun dài, mặc chiếc áo đỏ thẫm nổi bậc trên khuôn mặt hốc hác của người thiếu ngủ, chị từ VN sang Pháp được hai năm nay, buồn quá chị đâm ra uống rượu. Hôm nay,
chị đến ngồi cùng bàn với tôi, tôi biết chị sắp nói gì nên yên lặng nghe chị kể lễ : Ông chồng chị 70 tuổi, ở Pháp về VN, gặp chị, bị tiếng sét tình ái đánh trúng, nên ông cưới chị đem qua
Pháp. Sang Pháp, chị năn nỉ ông chồng xây lại căn nhà cho bà mẹ hiện đang ở VN, có tiếng lấy chồng Việt kiều mà để mẹ ở căn nhà xập xệ « mất mặt » với bà con quá! Ông chồng chìu vợ, bay về VN xây
nhà cho mẹ vợ. Nhà mẹ vợ xây xong, chị nhận được thư chồng thú thật là tiếng sét ban đầu là tiếng sét dỏm. Bây giờ ông mới bị trúng tiếng sét thiệt, mà « người ấy » không ai khác chính là
bà…mẹ vợ kém ông 10 tuổi, ông xin lỗi cô và tình nguyện ở lại VN luôn. Mặc dầu biết mẹ già có người thương yêu, chị mừng cho mẹ, nhưng trong lòng vẫn xót xa dầu thực lòng chị cũng không nặng tình
gì lắm với ông chồng già.
Qua
Pháp được hai năm mà chị về VN ba lần rồi. Tôi lại hỏi chị đi máy bay Viet Nam Airlines, chị nói lúc trước có, sau này đi Air Á Rập, vừa rẽ,
chiêu đãi viên lại tử tế, VN Airlines các cô áo đỏ bây giờ không còn tử tế với khách nữa, còn coi thường khách nữa là khác, nhất là khách
Việt. Các cô chỉ tử tế với khách ngoại quốc thôi.
Xin kể tiếp câu chuyện thứ hai. Một người đàn ông 45 tuổi, có vợ đang ngồi đối diện trước mặt tôi, buồn rầu thố lộ lấy vợ 20 năm nay, đùng cái
từ 3 năm nay bà vợ không cho ngủ chung giường, không cho ông đụng đến người, khi nào vợ bị nhức mỏi trong người ông mới được cầm tay, cầm chân vợ, không phải để vuốt ve, âu yếm mà để thoa dầu cù
là mát- xa cho vợ. Ăn thì ăn chung, ngủ thì ngủ riêng. Ông báo với…cảnh sát, nhưng cảnh sát bảo ông tự giải quyết lấy. Ấm ức lắm nhưng ông không đủ can đảm làm gì được. Ông than thở nào con, nào
nhà, nào tiệm ôi thôi đủ thư nó ràng buộc…thôi thì đành ngậm bồ hòn, thỉnh thoảng lén đi « ăn chè» cho đỡ thèm…Thôi chào anh nha, tôi phải đi mua cái áo gi-lê có màu đôm đốm và tấm bảng tam giác
kẻo hết.
Cái áo màu đôm đốm hùng quang, để chủ xe khoát con đôm đốm trên lưng và tấm bảng tam giác lưỡng sắc óng ánh dựng sau đít xe khoảng 30m khi bị xe chết máy giữa xa lộ. Luật của Pháp ban hành,
bắt buộc tất cả chủ nhân xe hơi, phải có trên xe hai vật cần thiết này, để bảo an ninh cho người lái xe, lỡ khi xe bị chết máy giữa đường. Nếu không có 2 món này trên xe sẽ bị phạt 135 euro, trừ
khi trả gấp trong hai tuần chỉ 90 euro. Tấm bảng tam giác để phía cốp xe, còn áo đôm đốm thì luôn luôn để phía trước, lý do dễ hiễu là khi bị cảnh sát chận xét mà chủ xe nhảy ra sau xe để trình
con đôm đốm thì sẽ bị phạt liền.
Chuyện bên ngoài thế giới.Một ông A, lèm nhèm bỗng nhiên chê Tây không cầu tiến, không chịu thích Mỹ, không chịu học tiếng Anh, khư khư ôm nói tiếng bản xứ của mình, nhất
là những người Pháp ở thế hệ trước tự hào nhận 29 nước lạc hậu đô hộ trong 160 năm. Nhưng nước Pháp này có ông tổng thống trẻ chịu chơi lại khoái Mỹ. Ông B ngồi bàn bên kia, nghe ông
A chê Tây, thích Mỹ, bèn lên tiếng chỉ trích Mỹ đã từng bóc lột Phi châu 400 năm …Ông A trả lời là bởi do chính người da đen đem bán dân da đen cho Mỹ. Ông B nhếch nói ông bạn ở Pháp có vẻ thích
Mỹ, có lẽ ông bạn hợp đời sống ở Mỹ ! Ông A nói moi đâu thích ở Mỹ, sống ở Mỹ là để làm việc, còn ở Pháp làm việc để sống…khác nhau.
Thấy tôi ngồi chăm chú lắng nghe, ông A quay sang hỏi tôi nghĩ gì về chuyện bầu cử ở Mỹ, tôi ngắc ngứ, Ông A nhếch môi cười có phần…khi dễ rồi quay sang ông B :
- Theo ý toi, ông Obama có thể đắc cử tổng thống Hoa Kỳ không ?
Ông B lắc đầu :
- Dân Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho người da màu làm Tổng thống đâu.
- Chứ Tổng thống nước Pháp cũng là người ngoại quốc thì sao !
- Nhưng ông Sarkozy là người da trắng, ở Âu châu.
Ông A lại nnói :
- Có thể bây giờ người Mỹ muốn đổi mới. Dám ông Obama được lắm à, đa số người trẻ, có học thức đều thích ông Nghị sĩ Obama…
- Thích thì thích nhưng ổng làm tổng thống nước Mỹ thì còn lâu…
- Lâu gì! Tháng giêng là ông Bush hết nhiệm kỳ rồi.
Ông B nói :
- Thôi, không nói chuyện ở Mỹ nữa. Nào, cụng ly một trăm phần trăm nhé !
Hai ông sâu rượu cụng ly nghe bốp bốp. Hết 100% ly rượu này đến 100% ly rượu khác. Chuyện bầu cử thổng thống ở Mỹ chờ thời gian sẽ trả lời .
Ông A,
bỗng đổi giải túc cầu cúp Âu châu hôm 17/5 vừa qua. Italy thắng Pháp 2 - 0. Ông B mắt sáng lên :
- Moi thấy đội banh Pháp lần này không may mắn tí nào! Mới đá được 9 phút thì Ribéry bị bung gân chân đầu gối bên trái, phải nhập viện tức. Pháp lúng túng như là lính mất đầu. 25 phút ở
hiệp đầu đã bị thẻ đỏ bởi cầu thủ Eric Abidal mới chưa có kinh nghiệm ra sân, và Pháp bị một quả Pénalty của Ý. Sau đó lại vắng mặt Viera và Thuram. Rồi Trezeguet bị thẻ vàng. Ôi như là cơn ác
mộng …
Ông A nói:
- Đội Pháp không thắng mà huấn luyện viên Domenech Raymond vẵn thắng ! Ông vẫn ẵm 50.000 euro mỗi tháng, lại sắp cưới cô xướng ngôn viên Estelle ở đài tuyền hình M6. Ổng còn
thời giờ đâu mà lo huấn luyện banh với bóng chứ !
Ông B hớp tí rượu hít hà :
- Đừng đổ lỗi cho ai hết, Pháp thua là bị báo chí chỉ trích, cổ động viên thì chửi muốn bể màng ngĩ ! Moi thấy Pháp mà « quê độ » là đá không được, đá thế nào cũng thua…Pháp lại kỵ Ý, Anh, Đức,
đụng mấy đội banh này là Pháp cầm chắc thua. Làm chuyện gì cũng phải có sự may mắn ! Thôi dzô một cái đi ông bạn …
Thấy tôi ngồi tiếp tục ngổi dỏng tai, ông rượu A lại quay hỏi tôi về tổng thống nước Pháp, tôi cười rồi lắc đầu, ông A lại nhếch môi…khi
dễ.
Ông B lên tiếng :
- Cha Sarkozy coi cũng có vẻ điềm đạm, nói năng từ tốn…
- Nhưng moi không thích cái vẻ đạo mạo của Sarkozy, moi thích tay nào nói năng ồn ào bạt mạng, ngang tàng, việc gì chỉ cần trở bàn tay là xong đó là bản tính đặc biệt của Sarkozy.
Ông A nói:
- Ông đã hứa những gì trước khi tranh cử bây giờ chỉ là ảo tưởng, và dân chúng bất mãn vì cho rằng ông thiên vị nhà giàu và cộng thêm từ ngày cưới bà Carla số điểm ông ta tụt dốc thê thảm, điểm
từ 69% chỉ còn 36%.
Ông B làm như thông cảm :
- Làm việc gì cũng có người đồng ý và người không đồng ý, giá dầu xăng lên gấp hai lần so với lúc ông ứng cử, đồng euro quá cao làm khủng hoảng tài chánh, kinh tế, toàn là những điều ngoài khả
năng của ổng...Đùng một cái ổng đưa ra 55 cải tổ thì phải đụng chạm đến giới này, hội kia chứ…
- Ông Sarkozy chỉ còn 4 năm nữa để ổng chuộc lỗi lầm mà thôi !
Ông B đưa hai tay vuốt lại mái tóc muối tiêu nói :
- Tui chịu Sarkozy, có năng lực, can đảm và khiêm tốn và biết nhận lỗi, một điểm mà ít có tổng thống nào chịu nhận lỗi, riêng ông Sarkozy đã có 5 lần nhận lỗi. Số điểm của ổng bắt đầu lên
lại rồi, cũng nhờ bà vợ Carla chinh phục được cảm tình ở các nước. Thôi, dzô một cái đi ông bạn, 100% nghe !
Ông A cụng ly :
- Tôi xin phép mời ông bạn một chầu tuần tới ở quán ca nhạc kế bên cạnh.
Ông B xua tay :
- Cảm ơn ông bạn, tôi chỉ muốn uống rượu ở quán này thôi.
« Kỹ thuật » thương mại.
Ngồi Quán ở các tiệm khác để biết những sinh hoạt trong
quán ở đây ra sao. Được biết khách quen tiệm nào thì đến tiệm đó, có người như « mua chết » luôn cái bàn ở trong tiệm. Tôi ghe những cái tên thật lạ : khách rượu và khách « một ly ». khách rượu
là hết ly này đến ly khác, rồi chai này đến chai khác.. « khách một ly » là khách chỉ kêu một ly bia, rượu, hay café nghe nhạc cho đến giờ phút cuối. Tôi để ý chủ tiệm cà phê này không tỏ
vẻ gì khó chịu với « khách một ly » cả. Khách vào tiệm là vợ chồng anh ta vui vẻ, lúc nào cũng có nụ cười trên môi rất nhiệt tình để đón khách. Chủ quán biết cách xã giao nên mỗi ngày quán
của họ càng có thêm khách mới.
Nhưng có những tiệm xã giao kém, thường thường là quán ca nhạc người Việt, ví dụ : một nhóm vào vũ trường họ uống từ 3 đến 5 chai Remi
Martin là chuyện thường (90 euro/chai) Chủ tiệm cả người làm tử tế đến tận bàn bắt tay, chào hỏi rất thân thiết . Khách nào không uống rượu, hôm đó kể như là những người âm thầm trong « bóng tối
». Chủ, và cả nhân viên phục vụ đều tỏ ra hờ hững cho dù khách đã từng ghé tới đây nhiều lần.
Chung quanh khu vực Á châu này, tiệm gì của người Tàu mở cửa lớn, nhỏ đều nườm nượp khách. Thức ăn ngon, chứng tỏ thợ bếp cao tay nghề, mấy anh chạy bàn cũng gốc Tàu, nhưng đa số là khách Việt,
kể cả ban nhạc và ca sĩ cũng là người Việt. Khách Việt chịu ăn chơi, chịu nhảy nhót. Khách người Tàu đa số đến ăn uống xong là về, ít khi nào họ ở lại. Còn nhà hàng ca nhạc Việt cứ thay đổi người
nấu bếp luôn luôn, mỗi lần khách kêu món ăn cũ nhưng mùi vị lại khác. Bữa đực, bữa cái. Có tiệm, thấy đông khách, thức ăn giảm lại, nhưng giá tiền lại tăng lên, riết nhà hàng chỉ còn lại toàn
khách người Pháp. Tiệm Việt có nhiều khách Việt là tiệm đó thức ăn ngon. Thức ăn ngon mà chủ cứ nghêng nghênh mặt lên trời thì khách cũng không muốn vào.
Một lần khác, tôi cùng hai người bạn vào một tiệm phở Việt, lúc đó 9 giờ 30 tối, vừa lúc đó, có một cặp khác cũng bước vào quán. Chủ quán nói bây giờ chỉ còn mỗi món phở thôi. Tôi nói
chúng tôi muốn ăn phở mà…Đúng 9 giờ 40, tất cả những tổ phở được đem ra một lúc (sao mà lẹ thế) Phở đem ra chúng tôi vừa ăn vừa thổi vì đói bụng …9 giờ 50 vừa gắp vài đũa thì đèn đuốc bỗng
tắt đui, chỉ chừa một ngọn đèn nơi bàn chúng tôi. Người chạy bàn vừa tắt hết đèn, vừa nói lớn để cho khách nghe : « 10 giờ là tiệm chúng tôi đóng cửa nghe ! ». Tôi nhìn đồng hồ lúc đó 9 giờ 55.
Anh ta bỗng lấy tô phở của tôi, tôi ngạc nhiên :« Tôi chưa ăn xong mà ! » Anh ta đặt lại và nói xin lỗi .
Nhưng chỉ 5 phút sau , đúng 10 giờ anh chạy bàn chạy ta đem giấy tính tiền đến bàn chúng tôi, vàthông báo đã tới giờ tiệm đóng cửa. Chúng tôi chưa ăn xong, nước cũng chưa kịp uống . Anh bồi bàn chỉ tấm bảng treo ngoài cửa rồi nói : « « Tiệm có ghi đóng cửa 10 giờ tối ngoài cửa kia kìa».
Tôi nói : « Nếu vậy lúc chúng tôi vào anh không nên nhận khách » Cặp vợ chồng người Pháp ngồi bên cạnh cũng bất mãn, ông người Pháp nói : «
Chúng tôi vào đây chỉ để trả tiền rồi đi ra sao ? Tôi đã từng ăn ở nhà hàng Á châu, đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện này…»
10giờ10, chúng tôi bỏ lại những tô phở đang ăn lở dở còn đang bốc hơi.
2 juin 2007
Bích Xuân
Ngôi Chùa Cũ
Bích Xuân
Mùa Phật Đản 2552 năm nay trở thành Ngày Tâm Linh, Ngày Văn Hoá được sự công nhận của gần 200 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. LHQ đại diện cho tất cả các quốc gia trên thế giới đều thấy rằng,
đời sống Đức Phật Thích Ca là một tấm gương sáng ; những giáo lý của Ngài là kho tài sản tâm linh vô cùng qúi báu, về một xã hội an lành, cần được ghi nhận và học tập.
Hàng trăm triệu Phật giáo khắp nơi đang hương hoa chào đón Đức Phật Thích Ca. Nhất là những dân tộc Á châu, những quốc gia có Phật giáo. Đặc biệt nhất là ở Việt Nam. Ở đâu có người Việt là ở đó
có mái chùa để « che chở hồn dân tộc » và gìn giữ « nếp sống muôn đời của tổ tông » .
Sau ngày Phật Đản được rảnh rang, tôi xin kể chuyện bên lề một ngôi chùa cũ cách Paris 3km (từ métro D’orléans quận 14 Paris ). Nói là ngôi chùa cũ nhưng thật ra không cũ, số tuổi của ngôi chùa này (1977-2008) này mới có…34 năm nay thôi, đó là ngôi chùa Khánh Anh ở Bagneux. Gọi là chùa cũ vì hiện tại đang có thêm ngôi chùa Khánh Anh mới đang còn trong chương trình xây cất ở Evry (hơn 10 năm rồi ngôi chùa vẫn chưa xong, phí tổn hết 10 triệu euro) cách Paris 33 cây số mà tôi đã có dịp trình bày trên báo Trẻ (số báo của tuần trước).
Từ Niệm Phật Đường trong căn phòng Appartement nhỏ, rồi dời đến một nơi khác thành ngôi chùa có diện tích khiêm nhường nhỏ ở vùng
Bangneux ngoại ô Paris, rồi từ ngôi chùa nhỏ này đến ngôi chùa mới Khánh Anh ở vùng Evry: lớn nhất Âu châu. « Nhân duyên » theo giáo lý của nhà Phật « không có cái này thì không có cái kia ».
Xin bắt đầu lại bằng ngôi « chùa » bé nhỏ sơ khai có tên là Niệm Phật Đường Khánh Anh, được thành lập qua một phiên họp trong vùng Paris vào cuối tháng 10/1973 đưa đến việc đi tìm chỗ để thuê
mướn một Appartement ở Arcueil vùng ngoại ô nam Paris, làm nhà chung và dùng để làm chùa. Phòng khách rộng 20m² để làm Chánh điện, bên cạnh là phòng ngủ khi có lễ biến thành phòng ăn tập thể
khoảng 20 người. Phía bên kia là nhà bếp. Tất cả đều biệt
lập không dính với nhà nào. Những ngày lễ, bà con lên xuống cầu thang rầm rầm, tha hồ tâm sự…Hầu hết anh chị em trẻ qui tụ đông đảo tại Niệm Phật Đường lúc này đều là những sinh viên du học tại
các nước ngoại quốc trước đây, sau năm 1975 họ kéo nhau về tị nạn tại Pháp, (đa số sinh viên Việt Nam du học tại Nhật bản). Lối xóm phiền hà vì tiếng tụng niệm trong căn phòng Appartemet, trẻ con
chạy lên chạy xuống cầu thang ồn ào, cho nên chủ lấy lại nhà, thầy phải « chạy » tìm nhà dọn đi nơi khác.
Hơn sáu tháng mới tìm được căn nhà vừa đủ với túi tiền, vừa thuận tiện đường giao thông cho người Việt di chuyển như xe điện ngầm (métro) xe buýt. Ngôi nhà ở ngoại ô Paris vùng Bagneux cách Paris 3km. Ngôi nhà nhỏ, chật hẹp, xập xệ này trong một vườn rộng 450m² có cây trái xơ xác, giá 350 ngàn Pháp (khoảng 70 ngàn đô la), thầy vay ngân hàng một nửa, trả góp trong vòng 15 năm. Phải có phật tử phát tâm đứng ra cầm cố bất động sản, hay lợi tức về lương bỗng theo như yêu cầu của ngân hàng thì ngân hàng mới cho mượn. Ngày 1/4/1977 Niệm Phật Đường Khánh Anh dời về ở vùng Bagneux và chính thức có danh xưng là chùa Khánh Anh. Mặc khác phải xây dựng cho ra nề nếp một ngôi chùa. Phải đào hầm (126m²)để có một phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng hội họp, văn nghệ, phòng vệ sinh, phòng tắm…Phía trên làm Chánh điện cũng 126m², và việc sưởi ấm tối thiểu mỗi khi có lễ bái đông người...
Mỗi ngày càng đông người viếng chùa, nhất là ngày cuối tuần hay là ngày lễ, từ trên Chánh điện, đến tầng hầm dưới không có chổ chen chân nếu đến trể. Có người sống thì có người chết.
Đã có người chết thì có lễ đám tang, nên cuối tuần nào ngoài mâm cơm hoa quả cúng Phật cũng có những cổ chay cúng hương linh được gởi tại chùa. Hơn ba mươi năm nay, chùa Khánh Anh không ngày chủ
nhật nào mà vắng và không bao giờ xem thường. Chùa có ban hộ niệm, có nghi thức nhập quan. Làm tuần cúng vong, trai soạn nấu nướng, bà con thân bằng quyến thuộc đều có mặt để hưởng lộc ông bà
.v.v…
Ngôi chùa cũ Khánh Anh, có tất cả 6 ban Trai soạn, một ban mỗi hàng tuần không thể nào gánh nỗi. Ban Trai soạn hoàn toàn thiện nguyện sinh hoạt tại chùa trên 30 năm nay vẫn không thay đổi. Đến
chùa, ra phía sau sân chùa, thấy một ban Trai soạn đang nấu nướng (bếp trong nhà chật, hẹp phải làm thêm bếp « dã chiến » phía sau chùa). Ban Trai soạn gần gũi những khách đến chùa qua những dịp
ăn uống. Có khách mua ăn tại chỗ, rồi còn mua đem về nữa. Cho nên đối với nhà chùa ban Trai soạn là một đóng góp đáng kể, rất là quan trọng vì nó tiếp thu và giải quyết một phần lớn công việc. Lễ
nghi tín ngưỡng và Trai soạn nấu nướng là hai sinh hoạt gắn bó cần thiết và bổ túc cho nhau.
Ba mươi năm nay, những người đã sinh hoạt tại chùa Khánh Anh có người đã «ra đi» hồn gởi lại ở chùa, nhiều người đã chống gậy, đi xe lăn…Tre tàn, măng mọc, trẻ hơn đang bước vào thay thế,
nhưng con số thay thế vẫn chưa đủ bù đắp vào con số «ra đi» và chuẩn bị để «ra đi» càng lúc càng nhiều.
Nghe nói ngôi chùa cũ này cũng cũng trải qua nhiều khó khăn gian nan, vì ngôi chùa nằm ngay nơi ở giữa chung quanh dân cư Pháp. Những
ngày cuối tuần sau khi làm lễ xong, khách tụ họp sau chùa để cười, nói ăn uống, nên hàng xóm chunh quanh không bằng lòng, hoặc lý do nào khác nên đã thưa nhà chùa lên quận. Rồi một ngày
thầy vắng chùa « phái đoàn » bà thị trưởng đến chùa kiểm soát, qua hôm sau gởi thư ra lệnh đóng cửa nơi mà họ gọi là «Restauration »…Trở về sau buổi họp, thầy trụ trì sững sốt với lệnh trên, vội
vã gởi thư cho bà Thị trưởng, đồng thời thông báo cho các phật tử xa gần khắp nơi hay tin, chùa Khánh Anh có lệnh cấm không được ăn uống, và nấu nướng tại chùa. Thầy đã trình bày trong lá thư gởi
bà Thị trưởng là với 100 năm trong thế kỷ trước đây, nước Pháp và Việt Nam có nhiều liên hệ trong lịch sử, cho nên chính người Pháp hiểu rõ hơn ai hết nhất là về phong tục tạp quán của người
Việt. Cao quí hơn hết là phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên và thuận tiện hơn hết là đem hình ảnh thân nhân quá cố về thờ tại chùa, để rồi để hàng năm vào ngày giỗ hay là ngày lễ lớn, họ đóng góp
một phần để nhờ những người làm công quả làm mâm cổ chay cúng vào ngày chủ nhật. Không phải chỉ một gia đình mà nhiều gia đình cùng một lúc. Trong vòng 30 năm sinh hoạt của chùa Khánh Anh đã có
600 gia đình Việt Nam kể cả người Pháp lập gia đình với người Việt. Và như thế mỗi tuần có từ 10 gia đình hay 20 gia đình về chùa lễ Phật và cúng giỗ tổ tiên và dĩ nhiên có buổi cơm chay, trong
đó có thân hữu bạn bè của những người quá vảng tham dự nữa. Ngôi chùa bé nhỏ thường có từ 100 đến 300 người thì với cái nóng 30 độ C, họ phải dời ra ngoài sân nhỏ, đi lại để ăn uống (khoảng
100m²)
Thường thường, có một số ít người ngoại quốc Âu Mỹ khi
nghĩ về những người đến từ các nước khác, trong đó có người Việt Nam, họ thường nhìn qua những người này có cái gì không đẹp, có cái gì, bất hợp pháp, gian lận, dối trá, ngu dốt không có vệ sinh,
bừa bãi mất trật tự…
Với quyết định của bà Thị trưởng nên đã có hơn 2000 người tại Pháp và ngoài nước Pháp bực tức gởi thư bày tỏ ý kiến : tại sao ngôi chùa đã hoạt động trên 30 năm nay, một sinh hoạt có tính cách
tôn giáo (Phật giáo) và Văn hoá Việt Nam mà bà Thị trưởng cho đó là một sinh hoạt của một nhà hàng ăn « Restaurante » có tính cách thương mại, thật là hiểu lầm to lớn mất hết ý nghĩa văn hoá.
Ngôi chùa có hơn 30 nay, bây giờ thị xã mới tỏ ra lo lắng về vấn đề an ninh cho mọi người ? Phải chăng có dụng ý gì đây ? và xin bà thị trưởng huỷ bỏ ngay nghị định của bà ban ra. Thư Thị trưởng
gởi qua, thư nhà chùa gởi lại. Cuối cùng, chùa Khánh Anh được phép tiếp tục sinh hoạt trở lại như thường lệ.
Nghe thầy kể lại, căn chùa Khánh Anh cũ này là do kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ vẽ. Vào một ngày đẹp trời, có một người ngoại quốc xin
vào thăm chùa. Sau vài lời xã giao, ông khách mở lời : Thầy có muốn xây thêm chùa trên miếng đất còn lại đây không ? Thầy nói muốn lắm nhưng chưa có tiền để xây. Ông khánh nói : Thầy đừng lo để
tôi vẽ sơ đồ chùa cho, tôi là Kiến trúc sư. Vài ngày sau ông khách trở lại chùa với bản vẻ nháp, thầy xin góp ý sửa lại vài điều và thầy lặp lại là không có tiền để xây. Ít lâu sau, người Thổ Nhĩ
Kỳ đem lại mấy xấp bản đồ mà ông đã vẽ lại rất sạch sẽ trao cho thầy, thầy cảm ơn rồi đem cất kỹ. Một tháng sau thầy nhận được giấy của người Thổ đòi tiền. Thầy nghĩ mình đâu có nhờ, tự ý anh ta
sốt sắng vẽ rồi bây giờ đòi tiền. Chừng một tuần sau ông ta đến chùa một lần, rồi nhiều lần để …đòi nợ !
Một ngày nọ có một cặp vợ chồng Kiến trúc sư đến viếng chùa thì gặp ông khách người Thổ Nhĩ Kỳ, cặp vợ chồng này nói gì với ông khách người Thổ kia. Sau thì không thấy ông người Thổ đó đến chùa
nữa. Về sau, chính cặp vợ chồng này cầm bản vẽ của người Thổ này trình lên quận để xin xây cất ngôi chùa này.
Tại Pháp, có tất cả 30 ngôi chùa, lớn có, nhỏ có, vừa vừa có…Tôi không phải là Phật tử, nhưng lại thích đi chùa vì thấy mái chùa huyền
hoặc, cao quí, thánh thiện…Tôi được dịp viếng thăm được 5 ngôi chùa ở gần Paris, đó là chùa Linh Sơn, chùa Quang Âm, chùa Tịnh Độ và chùa Khánh Anh. Thường thì tôi đi lễ ở chùa Khánh Anh nhiều
hơn. Vì, chùa Khánh Anh ngày cuối tuần đông người, có không khí tươi vui, thoải mái, không quá trang nghiêm, đến đây được gặp lại người quen, và có các món ăn chay rất mặn mà nóng hổi vừa thổi
vừa ăn, tuy ngôi chùa có chật hẹp. Từ Chánh điện đi xuống tầng dưới bằng một cầu thang nhỏ. Hôm nào phía trước có cụ bước chậm chạp là phía sau giống như là đang bị…kẹt xe nối đuôi nhau hàng dài.
Xuống được phía dưới rồi mới đi vòng ra phía sau, leo lên mấy nấc thang để « chui » ra ngoài sân chùa. Vậy mà người Việt ở các nơi trong Âu châu ai cũng biết đến ngôi chùa nhỏ này. Chắc là
chùa Khánh Anh có ban văn nghệ hùng hậu, nhất là ban vũ, do các em tuổi từ 15 đến 3 tuổi trình diễn với trang phục rất chuyên nghiệp, đẹp mắt do chị Hồng ở chùa phụ trách cắt may. Về vũ thì do
chị Hà hướng dẫn, chị Hà sinh hoạt ở chùa lúc còn là cô gái trẻ, bây giờ, các con chị đã trưởng thành và cũng là những thiếu nữ trong «đoàn vũ» ở chùa với những vũ khúc dân tộc rất độc đáo,
đã từng nhiều lần biểu diễn trên sân khấu tại rạp Maubert quận 5 Paris. Mỗi mùa lễ Phật Đản với số khách tham dự khoảng 2500 người (có hơn 20 lần chùa Khánh Anh tổ chức Lễ Phật Đản tại đây). Giá
thuê một buổi diễn tại rạp Maubert phải trả cả chục ngàn euro.
Bây giờ có chùa mới ở Evry, nên chùa tổ chức lễ Phật Đản ở đó, hội trường ở đây chứa được 1000 người. Mỗi mùa Phật Đản có ca sĩ ở Mỹ sang trình diễn, vô cửa tự do. Ở đâu có văn nghệ là có
người đến, có văn nghệ đặc sắc thì có người kéo đến tham dự mỗi lúc càng đông.
Từ đầu trang đến đây cà kê lung tung chuyện nhà, chuyện chùa mà chưa nói đến…chủ nhà. Chủ nhà đây là Hoà Thượng Thích Minh Tâm. Hình
như thầy là người gốc miền Trung (Nha Trang thì phải). Dáng thầy gầy gầy, nhưng tiềm ẩn một sức mạnh kinh nghiệm về tâm linh và thâm cao tâm lý. Nhìn thầy thản nhiên có vẻ như là người chấp nhận,
và có một đức tính rất hiếm và đặc biệt. Trong chùa, các Phật tử đều gọi thầy là sư ông với tất cả lòng kính mến. Tôi được các anh chị trong ban văn nghệ, cũng như ban Trai soạn cho biết, chưa
bao giờ họ thấy sư ông giận hờn hay chỉ trích, lớn tiếng với ai. Trong chùa không có Tổng thư ký, hay thư ký, nên việc sổ sách chi, tiêu một tay sư ông tính toán. Này nhé ! từ ngôi Niệm Phật
Đường trong căn Appartement nhỏ xíu, sau đó thầy đã tạo được một ngôi chùa nhỏ trên mảnh đất 450m² ở Bagneux, bây giờ có thêm ngôi chùa mới trên miếng đất rộng 4500m² tại Evry. Sư ông không những
làm chùa cho những người con của Phật hóng mát mà còn xây Tháp Địa Tạng có 9 tầng lầu để mai này ta gởi chút tro tàn tại đó…Tôi đã có dịp viếng thăm Địa Tạng rồi. Hộc tro màu lưu ly óng ánh, có
khắc đoá hoa sen trong vô minh tỏa sáng. Mùi hương nhẹ nhàng thơm dịu sẽ đưa những lời kinh trầm trầm xuống thung lũng phía dưới này.
Xin nói thêm, có hai căn nhà kế bên chùa cũ dọn đi, sư ông
cũng đã mua dứt luôn hai căn này. Một căn dành riêng cho sư nữ tu, căn kế bên cho sư nam và cũng là tịnh xá để các thầy từ phương xa đến.
Ngôi chùa mới đang xây lỡ dỡ chưa xong vì tài chánh còn đang thiếu hụt. Trước hay sau ngôi chùa ở Evry cũng phải xong, mau hay chậm mà thôi. Các Phật tử xa gần cũng như ban Trai soạn tại chùa đã
gắn bó với sư ông trên 30 năm nay, trong lòng tất cả thầm cầu mong sao cho ngôi chùa được xây cất xong, vì sư ông năm nay có vẽ yếu đi, đã có lần sư ông cắt bỏ một phần trong bao tử, vì bệnh lỡ
loét bao tử.
Một ngày trong tuần, bầu trời xám lam, tình cờ tôi ngang qua ngôi chùa cũ. Ngôi chùa êm đềm, giản dị nằm trên con đường có hai hàng cây xanh mướt. Tôi đứng xớ rớ ngoài cổng chùa, nửa vào, nửa
không, nửa như muốn bước đi…Trong chùa sư ông nhìn ra, thấy có người thập thò trước cửa. Sư ông vội ra mở cửa :
- A Di Đà Phật. Con đến chùa giờ này có chuyện gì không ?
- Dạ, thưa thầy có ạ ! Hai tuần trước con thấy thầy nói chuyện với một thanh niên có nước da ngăm ngăm ở trong phòng ăn.
- À, thầy nhớ rồi. Anh ấy từ Canada đến Paris bị mất hết giấy tờ, tiền bạc…
- Dạ đúng đó thầy. Anh ta nói gì với thầy vậy ?
- Anh ấy đến chùa mượn tiền, thầy đưa ảnh 200 euro.
- Thưa, con cũng đưa anh ta mượn 250 đồng. Anh ta ghi lại điạ chỉ và số phôn ở Canada. Con có phôn đến số anh ta ghi đây nè mà không được. Thầy có số phôn của anh ta không ?
- Hình như…có!
- Nhờ thầy cho con xem có đúng như địa chỉ anh ta ghi cho con không ?
Sư ông đến kệ sách, khoảng mười phút sau lấy ra miếng giấy nhỏ xíu, đủ ghi địa chỉ và số phôn đưa cho tôi. Nhìn nhanh vào miếng giấy, tôi nói:
- Đúng rồi thầy ơi ! Số phôn anh ta ghi cho thầy, giống số phôn anh ta ghi cho con. Gặp dân lường gạt rồi.!
Thấy tôi giận, sư ông ôn tồn nói:
- Mô Phật, con đừng giận làm chi…
Tôi không chịu:
- Đúng là lừa bịp. Anh ta là dân cư ngụ tại Pháp, anh ta làm ăn kiểu này ở bên Đức, và Bỉ đã bị bại lộ rồi. Nhà chùa mà hắn cũng không tha …
Sư ông lặp lại câu thần chú:
- Mô Phật, con đừng giận làm chi…
Nhìn vẻ mặt tôi hầm hầm, sư ông nói:
- Coi như kiếp trước con thiếu nợ anh ta, bây giờ phải trả lại…
Nghe sư ông nói thế, tâm tôi từ từ trở lại bình thường, hết bực bội. Ừ thì coi như kiếp trước mình thiếu nợ người ta vậy ! Có vay có trả, gieo nhân nào thì quả nấy…Chỉ có vậy mà nghĩ không
ra.
- Xin cảm ơn thầy. Chào thầy con về ạ…
Một con chim bay xuống bên cỏ rồi lại đập cách bay lên khuất sau tàng lá cây. Tôi thong thả đi trên con đường vắng ẩm ướt nước mưa mà cứ tưởng là buổi bình minh, và mỉm cười bâng quơ nghĩ về hạnh
phúc. Hạnh phúc là gì ? có phải hạnh phúc có được một buổi chiều bình yên với một tâm hồn đang thanh thản. Đâu phải cao xa gì, biết thoả mãn với những gì mình đang có, ví dụ một buổi chiều như
hôm nay, tôi không bực bội, không hờn oán ai là hạnh phúc …
Bích Xuân