Overblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
3 novembre 2007 6 03 /11 /novembre /2007 10:11

Định Mệnh Của Người Bất Hạnh
Bích Xuân

Luật sư Jacques Vergès ở Paris, mang hai giòng máu Pháp-Việt, nổi tiếng quốc tế với biệt danh “Avocat du diable”. Ông có cái nhìn sắc bén và thấu triệt vấn đề rất nhanh. Ông biện hộ với lời lẽ đơn giản, nhưng đanh thép. Hầu như mọi người thuộc mọi giới, nhất là giới trí thức cũng như giới chính trị đều biết đến ông qua những vụ án lớn. Ông đứng ra can thiệp và biện hộ để làm sáng tỏ vấn đề. Ông mạnh dạn nói lên những điều cần nói để tìm sự thật, trong khi một số luật sư khác “ngại ngùng” không dám nói, vì lý do này hay lý do khác. Ông là một trường hợp ngọai lệ, một luật sư dám đi ngược dòng khuôn khổ của tập thể những người áp dụng luật, đại diện cho công lý. Ông dám nói lên sự thật, không ngại hiểm nguy đến tánh mạng, với những bằng chứng mà một quyền lực nào đó trong bóng tối cố tình tìm cách che đậy, hay bóp méo. Ôâng được có thêm mệnh danh nữa là người “thợ kim hoàn” về luật. Ông đã chứng kiến những vụ án xử oan ức những người nghèo nên ông đã cho xuất bản những cuốn sách gây xôn xao dư luận, chẳng hạn như cuốn: “Tội ác của nhà nước, vở hài kịch công lý”, “Những sự nhầm lẫn của công lý” do nhà xuất bản “Que sais-je”…2002, và nhà xuất bản Plon 2004. Ông cũng là người có tư tưởng chống chính sách thực dân.
 
Nếu bạn hỏi một người bình thường (đàng hòang, tử tế) về mục đích của một vụ xử án để làm gì (hỏi mười người thì chín người) sẽ trả lời: là để tìm sự thật, như thế sự trừng phạt mới công bằng. Nhưng chín trên mười người đã lầm, khi đã trả lời như trên. Mục đích của một sự xử án, trước tiên, là để bảo vệ trật tự công cộng bị đe dọa bởi sự phạm pháp: Sự phạm pháp luôn luôn được cảm nhận như một sự phá họai. Do đó, công lý phải tìm mọi cách để dẹp sự phá họai này, nếu muốn duy trì trật tự công cộng.
Jacques Vergès
h-3-ill-912225-cannes-avocat.jpg
Nhưng, trật tự công cộng chỉ ở trong một thời điểm nào đó mà thôi, không phải ở trong mọi thời điểm của thời gian. Mỗi thời điểm nó phục vụ cho quyền lợi của mỗi lớp người có quyền lực, và thế lực tiền bạc…Trước đây phục vụ cho đám quí tộc có từ trong huyết thống, giờ đây, nó phục vụ cho đám “quí tộc” nhiều tiền. Trong quyền lợi của những kẻ có tiền, công lý trở nên tích cực và ngược lại đối với những kẻ nghèo khốn và những kẻ sống bên lề cuộc đời. Trong những trang sau đây chúng ta sẽ thấy công lý 
khinh thường những thành phần thấp kém trong xã 

hội như thế nào. Không những công lý không bảo vệ họ một chút nào cả mà còn bỏ rơi họ bằng cách để họ hứng chịu luật của kẻ mạnh và những kẻ “ma giáo”. Lúc đó, công lý có như  không, có tai như điếc…

Vai trò của công lý đôi khi phải “thoa son vẽ phấn” trên sự thật để giảm sự “thách đố” của sự phạm pháp. Khi điều “đổi trắng thay đen” trên không thể thực hiện được, thì vụ xử án có thể đưa tới sự chối bỏ sự thật. Người ta đã thấy vào đầu thế kỷ XX: Công lý đã xác nhận một sự dối trá là một sự thật, bằng cách tha bổng Raoul Villain, kẻ giết ông Jaurès (bắt bà quả phụ của nạn nhân trả toàn bộ tổn phí của vụ xử án). Thế giới của công lý là một thế giới kín (?) tới một mức độ mà người ta không thể tưởng được từ bên ngòai. Người ta có thể so sách những quan tòa như những đầu bếp. Bởi họ không thích người ta nhìn lúc họ nấu nướng và nêm nếm gia vị...

Nếu nói rằng, công lý không bao giờ đi tìm sự thật một cách bình thản thì điều đó hơi quá đáng. Công lý có công bằng khi sự phạm pháp liên quan đến những người dân thuộc tầng lớp trung bình, trong những cuộc cãi vã tranh chấp, không có ảnh hưởng lớn cho xã hội, ví dụ: đánh nhau khi rời khỏi một trận đá banh, sự lường gạt của một người công chức nhỏ, vụ giết người vì ghen tuông v.v…(với điều kiện là những người này không thuộc vào thành phần có tên trong cuốn “Who’s Who…”(danh sách những người giàu sang và có quyền lực ở mỗi nước). Michel Sardou nam ca sĩ nổi tiếng tại Pháp đã có lời ca trong bài hát do chính anh sáng tác: “La justice à deux viteses”. Tạm dịch: công lý có hai tốc độ, hay hai cách xử (một dành cho kẻ thế lực, một dành cho kẻ nghèo khó). Mới đây, Tổng thống Sarkozy của Pháp đã phát biểu: “Một quan tòa khi bị nhầm lẫn cũng bị xử phạt như mọi người.” Lời phát biểu trên đã làm tức giận các quan tòa. Quan tòa viết thư phản đối rồi xuống đường biểu tình…

Công lý càng tỏ ra coi thường với những nạn nhân khi những người này nghèo. Ngược lại, công lý tỏ ra và nhân nhượng, đối với những kẻ sát nhân khi họ có tiền rừng, bạc biển và có quyền thế. Điển hình là thái độ của công lý trong vụ án Issei Sagawa. Issei Sagawa người Nhật cao 1m48, nặng 45 kg, nam sinh viên 32 tuổi du học tại Paris về môn văn chương. Con trai của một tỷ phú đã phạm tội xác nhân và ăn thịt…người. Chứng minh một cách rõ ràng, sự bất lực của nền công lý. Trong khi đó Chritian Ranucci bị xử án tử hình ở Marsaille vì một vụ giết người mà anh ta không phải là thủ phạm, anh này là một đại diện thương mại trẻ tuổi, lớn lên do sự chăm sóc của một người mẹ sống đơn độc trong miền Nam nước Pháp. Mặc dầu bà mẹ đem hết sức với tất cả sự kiên nhẫn đi gõ cửa, cầu cứu khắp mọi nơi. Nhưng, điều này, không đủ để cứu mạng người con trai của mình, khi mà bà nghèo khó, cô độc, không quen biết một “quyền lực” nào cả.

Trường hợp của Issei Sagawa thì khác hẳn: Sagawa đã toan tính kế họach trước khi ám sát. Sagawa công nhận tất cả điều mình đã làm và kể lại vụ giết người và ăn thịt cô gái một cách tỉ mỉ. Chưa đến 5 năm Sagawa đã được tự do trở về lại gia đình ở Nhật với một người tình mới. Còn về phần Chritian Ranucci người thanh niên trẻ tuổi, đã bị xử tử vì tội giết một cô học trò, trong khi anh ta vô tội. Anh ta luôn luôn kêu gào sự vô tội của mình trong suốt thời gian bị giam giữ, nhưng công lý đã xử tử anh mà không tìm cách điều tra thêm.

Nói đến Issei Sagawa tòan quốc nước Pháp rỡn tóc gáy, không quên ngày kinh hòang 13-6-1981 khi đài truyền hình, truyền thanh, các thông tin báo chí loan tin hình ảnh về Issei Sagawa kẻ ăn thịt người, từ một xác chết để trong tủ lạnh ngày này sang ngày khác. Sagawa chụp lại tất cả 39 tấm hình bằng mầu kể từ lúc bắt đầu giết và ăn thịt cô bạn gái. Sau đó y bỏ xác cô gái xấu số vào hai valises xách tay, đem liệng vào rừng thì bị phát giác.
Sagawa bị bắt ngày thứ hai trong tuần, ở ngay nơi y cư ngụ tại số 10 đường Erlanger quận 16 Paris (khu nhà giàu) ngay lập tức Sagawa xác nhận hết những sự kiện đã xẩy ra. Nạn nhân là một cô gái tên Renée Hartevelt gốc Hòa Lan 25 tuổi, là bạn học cùng khoa văn chương với Sagawa...Cô này đẹp, người mảnh khảnh, tóc nâu, hai người chỉ là bạn học, không phải là nhân tình, đó là một  trong những lý do tại sao Sagawa giết cô ta. Issei Sagawa sinh ở Kobé, Nhật Bản, kín đáo, ăn mặc lịch sự, sinh viên ở phân khoa đại học Censier, đang sửa sọan một luận án tiến sĩ: “Ảnh hưởng nhà văn Nhật Kawabata, được giải Nobel, trên văn chương Pháp”.
Những nhân chứng kể lại : người ta thấy một người thanh niên Á châu đẩy một xe caddie của super market, trên đó có 2 valises nhỏ, Sagawa đứng trên hè phố ngay con đường mình ở để chờ taxi hai lần, một lần trưa thứ sáu và một lần chiều thứ sáu, hai lầi thứ sáu đem valises đi, rồi lại đem valise về. Lần thứ ba, Sagawa đi bằng chiếc taxi màu đỏ, đem hai valises bỏ trong rừng nhỏ, (bois de Boulogne) ở phía Tây Paris.

Sagawa thú nhận tội lỗi ghê gớm của mình với một sự bình thản, nhẹ nhàng, không có một xúc động. Sagawa quen với Renée được vài tuần đã tỏ ra yêu Renée như điên cuồng, nhưng Renée từ chối tình yêu của Sagawa mà chỉ coi như người bạn học bình thường mà thôi. Theo như lời Sagawa kể: Trước khi giết Renée, Sagawa tỏ tình thêm một lần nữa, nhưng cô này cười và vẫn mực từ chối. Lúc đó, Sagawa trở nên điên cuồng hơn, Sagawa lấy lại bình tĩnh nhờ Renée đọc cho y nghe những bài thơ bằng tiếng Đức do y lựa chọn để thâu vào máy. Trong khi Renée đọc thơ thì Sagawa rời phòng để đi lấy khẩu súng carabine 22 long rifle có hãm thanh. Sagawa nhẹ nhàng đến sau lưng Renée nhắm bắn vào gáy. Renée gục xuống. Đó là một buổi chiều tối của ngày thứ năm trong tuần.
Lúc này, bắt đầu một cuộc “tiếp xúc”ø khủng khiếp giữa hắn và xác chết của Renée. Sau khi giết chết Renée và làm tình, y cởi hết quần áo của Renée cuồng bạo cắn vào mông cô gái. Buổi ăn món thịt mông đầu tiên kéo dài trong đêm, có lúc y ngừng ăn để tiếp tục viết một phần của luận án về nhà văn Nhật Kawabata…
Cha của Sagawa là một tỷ phú và có thế lực ở Nhật, đã tìm cách đem Sagawa ra khỏi tù với lý do: người điên phải nhập viện tâm thần để điều trị. Sagawa điều trị ở trong nhà thương tâm thần 15 tháng, các bác sĩ Pháp chuyên trị tâm thần chứng minh Sagawa có dấu vết di truyền của bệnh điên. Về Nhật, Sagawa bị bắt buộc phải nhập viện tâm thần một năm, các bác sĩ nhật nói Sagawa bị điên nhẹ nhưng đầu óc quá sáng suốt, tính tóan đâu vào đấy, không thể thả ra ngòai rất nguy hiểm cho xã hội. Nhưng nhờ thế lực của cha, chưa đầy một năm rưỡi Sagawa đã được trở về nhà, không bị cảnh cáo hay bị canh giữ tại nhà.
Lợi dụng sự nổi tiếng “Người Nhật ăn thịt người ” sau khi ra khỏi nhà thương ở Nhật một thời gian ngắn Sagawa viết sách tường thuật lại tội ác của mình trong cuốn “Trong sương mù” (Kiri no naka) mà không một tí ân hận nào cả. Y kiếm rất nhiều trên cái chết của cô gái và sự đau đớn gia đình cha mẹ của nạn nhân. Cuốn sách được tái bản 20 lần, thâu được 80 triệu yens. Trong khi sách còn bán chạy, chính mẹ ruột của Sagawa cảm thấy quá bất nhẫn, nên bà ngăn cản không cho Sagawa tiếp tục tái bản cuốn sách ấy nữa. Định mệnh coi như đã an bày cho những kẻ nghèo khó, hay định mệnh mỉm cười kẻ dám làm…bằng cách hành động như mình coi cái sợ chẳng ra gì. 

Cuộc đời phiền toái nhiêu khê, cuộc sống xã hội hằng ngày, thường xẩy ra những chuyện làm ta bực mình trong nhiều trường hợp. Ông bà ta thường hay nói vô phước lắm mới đến cửa quan. Những câu dí dỏm của nhân gian thường hát, đã nói lên được phần nào mặt thật của cuộc đời: Tiền là cái đà danh vọng, là cái lọng bản thân, là cán cân công lý...

                                                                   Bích Xuân

 

 

Partager cet article
Repost0

commentaires